Đơn cử, nhà ông Phạm Phú Giới và bà Hồ Thị Nhộng (trú tổ 12, Lỗ Giáng, P. Hòa Xuân), diện tích gần 155m2 đất với 6 nhân khẩu ở đến nay bao quanh là nước, xung quanh hoang sơ, vắng vẻ vì hầu hết các hộ lân cận đó đã giải tỏa di dời đi chỗ khác.
Bà Nhộng tâm sự: “Nhà tôi quê gốc ở đây bao nhiêu đời rồi, nhưng năm 2011, TP yêu cầu giải tỏa phục vụ cho quy hoạch Khu LHTT Hòa Xuân. Gia đình tôi chấp hành chủ trương của TP, năm 2012 TP áp giá bồi thường cho gia đình tôi được 483 triệu đồng và có quyết định bố trí TĐC một lô đất đường 5m5 tại khu E2 mở rộng Hòa Xuân, nhưng đến nay gần 3 năm trời tôi phải tiếp tục đợi, mặc dù nhiều lần liên hệ với các đơn vị có liên quan để xin được nhận tiền đền bù và đất”.
Nói về sự bất cập của các cơ quan thực hiện chủ trương giải tỏa đền bù tại dự án này, bà Nhộng cho biết, gần 3 năm qua, gia đình sống trong môi trường bị ô nhiễm, hàng ngày các xe tải đất chạy đổ đất san lấp mặt bằng bụi mịt mù, tràn vào nhà; những ngày mưa thì lầy lội, nhà ngập nước, thậm chí để đi làm thì phải nhờ nhiều người đưa xe máy ra đường lớn mới đi được. Gia đình ba thế hệ sống chung trong nhà, người già và trẻ con không chịu nỗi… Trước tình cảnh đó, nhiều lần bà đến Ban giải tỏa đền bù số 2 để liên hệ nhận tiền đền bù và đất TĐC, nhưng phải về tay không. Bà Nhộng tỏ ý mong muốn, thành phố sớm có kinh phí đền bù và bố trí TĐC cho gia đình để cất được căn nhà ổn định cuộc sống…
Tương tự, hộ gia đình ông Tống Phước Hải và bà Nguyễn Thị Nga có 4 nhân khẩu thuộc diện giải tỏa Khu LHTT Hòa Xuân, năm 2012 TP tiến hành giải tỏa gần 90m2 đất và nhà (có sổ đỏ), áp giá đền bù 140 triệu đồng, không cấp đất TĐC mà chỉ có quyết định cho hộ gia đình ông Hải thuê chung cư Nam cầu Cẩm Lệ. Tuy vậy từ đó đến nay dù đã 2 năm nhưng gia đình này vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Ông Hải phàn nàn: “Bản thân tôi bị đau ốm liên tục, mỗi tháng mất 15 ngày phải nhập viện, vợ thì đi rửa chén bát cho các nhà hàng, 2 đứa con, đứa lớn học lớp 10, đứa nhỏ học lớp 4, gia đình thuộc diện khó khăn không có nguồn thu nhập ổn định chỉ mong các cấp chính quyền TP quan tâm hỗ trợ cho gia đình”.
Nhà ông Tống Phước Hải và hộ bà Hồ Thị Nhộng đang xuống cấp nghiêm trọng ở trong khu vực ô nhiễm, hoang vắng.
Cách đó không xa, hộ ông Lê Thiện Dũng và bà Tống Thị Phương Lan cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gia đình ông Dũng và bà Lan có diện tích đất 82m2, giá trị đền bù gần 220 triệu đồng, được áp giá đền bù từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù lẫn đất. Bà Lan phân trần, từ ngày áp giá đến nay, BQL dự án chưa một lần thông báo nhận các khoản tiền đền bù và đất TĐC cho gia đình bà. Vì sao cùng một dự án, mà nhiều hộ dân được chi trả tiền, bố trí đất TĐC thỏa đáng, còn các hộ như bà không được các cơ quan liên quan đá động gì?
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND P. Hòa Xuân cho biết, để phục vụ cho việc xây dựng dự án Khu LHTT Hòa Xuân, từ năm 2011 cả khu vực Tùng Lâm, Lỗ Giáng, Hòa Xuân phải giải tỏa trắng 1.354 hồ sơ đất ở, 1.607 hồ sơ đất nông nghiệp và 367 hồ sơ đất mồ mả với tổng kinh phí đền bù đã được phê duyệt 480 tỷ đồng, đến nay còn lại 475 hồ sơ nhà (trong đó có 215 hồ sơ có nhà ở, 90 tỷ) và có 92 hồ sơ đang rất bức xúc về nhà ở với kinh phí đền bù 47 tỷ đồng nhưng TP chưa có tiền và đất thực tế để bố trí cho bà con ở nơi đây. Cũng theo ông Toàn, phường đã kiến nghị TP nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết…
Thiết nghĩ, lãnh đạo các cơ quan liên quan ở Đà Nẵng nên ưu tiên bố trí vốn để thực hiện chi trả đền bù cho dân và đất TĐC cho người dân bức xúc tại các vùng giải tỏa để xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống.
Xuân Đương (Công an Đà Nẵng)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.