Theo Bộ trưởng Vinh, tới đây các bộ, ngành, địa phương đừng đưa dự án tràn lan, gây nợ đọng xây dựng cơ bản rồi lại đi xin như trước đây nữa.
Tại hội nghị này, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT), cho biết do nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo thứ tự ưu tiên việc bố trí vốn ngân sách nhà nước cho bốn trường hợp, sau đó mới bố trí vốn cho các dự án mới. Cụ thể: Ưu tiên vốn mồi cho các dự án đầu tư theo đối tác công tư, kế đến là bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA; trả nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước; bố trí cho những công trình dự kiến hoàn thành trước 31-12-2015 nhưng còn thiếu vốn và các công trình chuyển tiếp, dở dang của giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh dặn dò trong bốn trường hợp ưu tiên bố trí ngân sách cũng phải thực hiện chặt chẽ chứ không phải bộ, ngành địa phương xin bao nhiêu cấp bấy nhiêu. Chẳng hạn như việc bố trí ngân sách để trả nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Vinh nhắc nhở: “Lần này phải báo cáo thật, trường hợp nào dùng tiền chi trả nợ không đúng số báo cáo thì sẽ bị Quốc hội thổi còi ngay. Trước đây nhiều chủ tịch có nói với tôi: “Số nợ của em thật ra cao gấp hai lần con số đó nhưng sợ báo cáo bị phê bình” nhưng lần này các anh phải nói thật thôi”. Theo lý giải của Bộ trưởng, vì số nợ đọng xây dựng cơ bản đã chốt đến năm 2014 và ngân sách chỉ bố trí cho nợ cũ; từ năm 2015 trở đi sẽ không bố trí cho nợ mới nữa. “Nợ cũ khi đưa ra Quốc hội xem xét, các tỉnh nói nợ 1.000 tỉ đồng mà lại bố trí hơn 1.000 tỉ đồng thì lúc ấy công an, kiểm toán sẽ vào cuộc kiểm tra. Vi phạm luật pháp khi ấy không khác gì buôn lậu đâu” – ông Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh, với thứ tự ưu tiên như Thủ tướng chỉ đạo, sẽ không còn gì cho các dự án mới. “Đừng nghĩ như giai đoạn trước, cứ cho doanh nghiệp ứng tràn lan, nợ rồi lại đi xin. Vừa rồi tôi nhận hồ sơ mà thấy choáng váng không biết đâu mà lần. Bởi vì có những bộ đưa lên gấp 20-30 lần so với khả năng cân đối ngân sách, các địa phương ít thì cũng gấp 10 lần” – Bộ trưởng Vinh nói.
Lấy ví dụ từ Bộ GTVT, Bộ trưởng thông tin: Cụ thể năm 2014, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT riêng phần hỗ trợ vốn đối ứng cho các dự án ODA là 20.000 tỉ đồng nhưng Bộ KH&ĐT chỉ bố trí được 2.000 tỉ đồng. Từ trường hợp này, Bộ trưởng Vinh khuyên các bộ, ngành, địa phương cần phải “liệu cơm gắp mắm”.
Thu Hằng (Pháp luật TP.HCM)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.