Những “khu đất vàng” ở trung tâm thành phố được giao cho các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc văn phòng cho thuê…. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, hàng loạt “siêu dự án” sau ngày khởi công rầm rộ nay chỉ là những bãi đất trống. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng còn rất nhiều khu đất ngàn tỷ đồng bị bỏ hoang. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân nhường đất cho các dự án đến nay vẫn chưa thể an cư lạc nghiệp. Quỹ đất không thiếu mà chính quyền địa phương lại mắc nợ người dân cả ngàn lô đất tái định cư, vì sao có nghịch lý này?
Đất vàng để cỏ mọc cả chục năm…
Cách đây 3 năm, thành phố Đà Nẵng giao hơn 5,5 ha khu đất 4 mặt tiền cho Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng Khu phức hợp Thiên Thanh Plaza đã gây ra làn sóng xôn xao trong dư luận nhân dân địa phương. Có người cho rằng, việc chuyển nhượng sân vận động Chi Lăng là không cần thiết và thiếu minh bạch.
Các “siêu dự án” nằm kề nhau giữa lòng thành phố
Một khu đất vàng từng là di tích cách mạng lại nằm ở vị trí đắc địa trung tâm thành phố nhưng Tập đoàn Thiên Thanh chỉ bỏ ra hơn 1.500 tỷ đồng là được quyền sử dụng toàn bộ khu đất này. Trong khi đó, Ðà Nẵng phải tiến hành giải tỏa 249 ha đất với tổng kinh phí bồi thường lên đến 830 tỷ đồng và đầu tư 230 tỷ đồng khác để xây một sân vận động mới tại Khu Liên hiệp Thể dục Thể thao Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ có sức chứa 40.000 chỗ ngồi.
Mấy tháng nay, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh bị cơ quan Công an bắt tạm giam để điều tra làm rõ các sai phạm về kinh tế, còn dự án thì dang dang dở dở, chính quyền thành phố tiến thoái lưỡng nan.
Ông Đinh Ngọc Hoan, chủ nhà số 192 đường Hùng Vương cho biết, là Bí thư Chi bộ khu dân cư nên gia đình ông gương mẫu thực hiện di dời đã 2 năm nay mà dự án vẫn giẫm chân tại chỗ. Người dân phàn nàn nhiều dự án rào đó cho cỏ mọc cả chục năm nay rồi. Bây giờ, liệu dự án thương mại phức hợp cao tầng của Thiên Thanh, khu Chi Lăng này có giống như thế hay không.
Dự án Khu phức hợp TM-DV Thiên Thanh chỉ nằm trên bản phối cảnh
Những năm trước đây, nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản ồ ạt tìm đến thành phố Đà Nẵng vẽ ra các “siêu dự án” giữa lòng đô thị trẻ. Những khu đất ngàn tỷ đồng nằm giữa trung tâm thành phố được chính quyền địa phương nhanh chóng giao cho một số nhà đầu tư.
Cụ thể như dự án Danang Center của Công ty cổ phần địa ốc Vũ Châu Long, vốn đầu tư 125 triệu USD; Dự án Viễn Đông Meridian Tower, quy mô 33 tầng, tổng vốn đầu tư hơn 180 triệu USD do Công ty cổ phần địa ốc Viễn Đông làm chủ đầu tư; hay như Dự án Golden Square của nhà đầu tư Công ty cổ phần địa ốc Đông Á…
Dù được chính quyền thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi, cấp phép, giao đất sạch với nhiều ưu đãi đặc biệt, sau nhiều lần khởi công, cam kết thời gian hoàn thành nhưng đến nay đất dự án vẫn là những khu đất bỏ hoang, ken dày cỏ mọc, hàng trăm chiếc cọc lởm chởm, hoen rỉ cùng một số thiết bị, vật tư hư hỏng…
Ông Tôn Hưng Ngọc, nhà ở gần dự án Danang Center, than vãn: “Dân người ta đang buôn bán làm ăn bình thường, rồi quy hoạch đuổi người ta đi. Nhưng mười mấy năm rồi cũng đắp mền đó chứ có cái nào xây dựng được đâu. Như Viễn Đông, Vũ Châu Long đó, người ta nói cũng hay nhưng mười mấy năm rồi, có ai đụng đậy tới không”.
Chính quyền cương quyết, rồi đâu lại vào đấy
Không chỉ trong khu vực trung tâm thành phố mà nhiều dự án lớn khác ở vùng ngoại ô, ven biển trên địa bàn Đà Nẵng cũng đìu hiu, hoang vắng. Tại cửa ngõ phía Bắc thành phố có Khu đô thị sinh thái Golden Hills, tổng vốn đầu tư là 1,67 tỷ USD do Trung Nam Group làm chủ đầu tư thông qua Công ty con là Trung Nam Land. Khu đô thị sinh thái này nằm ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu nay chỉ là bãi đất trống mênh mông, từng đàn bò thản nhiên đi lại, gặm cỏ.
Ông Huỳnh Lâm Thái, người mua đất biệt thự ở đây từ năm 2011 tỏ vẻ chán chường: “Khi mua thì các nhà đầu tư cam kết là tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đường dẫn vào hoàn thiện nhưng đến nay đường dẫn vào khu còn đang rất bụi. Cơ sở chưa hoàn thiện nên nếu vào đấy ở giống như 1 mình vậy rất khó vì an ninh trật tự, điện, đường, trường trạm, nước. Đến hiện nay không thực hiện, người ta không được sử dụng dịch vụ giống như cái giá người ta trả, đúng thời hạn cam kết thì cũng không có cơ quan nào xử lý”.
Tại thành phố Đà Nẵng, rất nhiều khu đất vàng bỏ hoang từ năm này sang năm khác gây lãng phí lớn. Khoản tiền thu về cho ngân sách địa phương chẳng đáng bao nhiêu. Trong khi đó, nhiều gia đình lại chưa có đất ở. Không ít hộ tái định cư bất bình vì nơi ở mới không bằng chỗ ở cũ.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, tiến hành rà soát, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án theo đúng cam kết, kiên quyết thu hồi đất của các dự án không khả thi. Hết lần này đến lần khác, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản tỏ thái độ cương quyết nhưng cuối cùng… đâu lại vào đấy!
Dự án Viễn Đông Meridian Tower tồn tại cả chục năm nay dù đã 2 lần khởi công
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư cam kết thực hiện dự án, nếu không phải tiến hành thu hồi đất. Đối với các dự án quy mô lớn ở trung tâm thành phố, UBND cũng đã làm việc vài lần, trao đổi với các chủ dự án nhưng đến nay một số dự án cũng có làm việc nhưng mà chưa có cam kết. Và trong cuối năm 2014 này, UBND thành phố sẽ mời tất cả các chủ đầu tư này để thực hiện ký cam kết triển khai dự án”.
Thành phố Đà Nẵng đã công khai những dự án “rùa bò” và nhiều lần yêu cầu các chủ đầu tư tiến hành ký cam kết triển khai dự án. Chính quyền thành phố cũng khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, nếu tiếp tục chậm triển khai sẽ kiên quyết thu hồi đất.
Trong tình hình khó khăn như hiện nay, không mấy ai tin rằng các chủ đầu tư sẽ thực hiện đúng những điều cam kết với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Và trong lúc các nhà đầu tư bỏ hoang những khu đất trị giá cả ngàn tỷ đồng thì người dân thuộc diện tái định cư lại mòn mỏi chờ bố trí đất ở./.
Đón đọc kỳ sau: Quỹ đất thừa sao dân thiếu đất ở?