Đại biểu lo Quốc hội không có thực quyền với ngân sách

Nhận xét về luật hiện hành, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đức Thụ cho rằng hiện Quốc hội phê duyệt dự toán ngân sách “rất hình thức”. Cụ thể, việc lập, trình hay phân bổ dự toán ngân sách đều dựa trên các tiêu chí do Chính phủ quy định. Trong khi Quốc hội mang tiếng là “quyết” nhưng đại biểu chỉ có vài ngày để nghiên cứu nên gần như chỉ “bấm nút” thông qua những gì đã được cơ quan hành pháp soạn thảo.

Vị này kể, tình trạng Quốc hội đi “hợp thức hóa” nhiều khoản chi trước đó khiến ông không biết trả lời chuyên gia nước ngoài ra sao khi được hỏi: Tại sao Việt Nam lại có tình trạng cứ tháng 4, tháng 5 năm sau mới đi quyết ngân sách cho cái đã chi xong cả nửa năm trước.

Tương tự, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng ví dụ ở địa phương, Hội đồng nhân dân – cơ quan quyết ngân sách ở tỉnh thực chất chỉ là đi biểu quyết cái đã thống nhất rồi. “Có nên chăng làm ngân sách theo kiểu đó?”, Phó chủ tịch băn khoăn.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) minh họa thêm bằng câu chuyện ứng trước ngân sách ở địa phương. Ông thừa nhận “rất khó nếu không cho ứng trước” song nếu cho thì lại vi phạm bởi quy định mọi khoản thu chi đã phải dự toán. “Tôi đề nghị không nên cho ứng trước, nếu không Quốc hội cứ phải hợp pháp hóa chuyện đã rồi”, ông Minh nói.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhận xét, dự thảo luật chưa có những thay đổi căn bản về mô hình ngân sách, để tạo thuận lợi hơn cho quá trình quản lý điều hành và phát huy quyền chủ động của chính quyền địa phương.

than-duc-nam-0-2599-1414591729.jpg

Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng địa phương có xu hướng lập dự toán thu thấp, chi cao để được Trung ương phân bổ thêm.

“Do tính chất lồng ghép của hệ thống ngân sách Nhà nước mà nhiều chỉ tiêu thu và chi ngân sách cấp dưới do cấp trên ấn định. Điều này đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu chi, lập dự toán tích cực, mà thường có xu hướng lập dự toán thu thấp, dự toán chi cao để được nhận trợ cấp nhiều hơn”, ông Nam nói.

Do vậy, trên thực tế, chính quyền địa phương mới chỉ được tăng quyền về tổ chức thực thi ngân sách, còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về trung ương.

Để chi tiêu ngân sách đúng mục đích, đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) cho rằng phải rạch ròi 2 nguồn: địa phương thu được và trung ương phân bổ. Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, với các địa phương còn phải nhận ngân sách do trung ương chi xuống, thì phần nhận được ấy phải chi tiêu theo mục đích, không thể muốn chi vào đâu thì chi, chi khác mục đích ban đầu.

Là người chấp bút cho luật Ngân sách gần 20 năm trước, ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh, khoản thu nào thuộc về ngân sách thì phải nộp vào ngân sách, tránh hiện tượng túi tiền quốc gia đang bị băm nhỏ như hiện tại bằng các quỹ tài chính như quỹ bảo trì đường bộ, hay nhiều khoản phí và lệ phí không đưa vào ngân quỹ mà lại hợp thức hóa bằng “ghi thu, ghi chi”.

Ông Thụ đề nghị, tất cả các quỹ tài chính trùng với nhiệm vụ thu chi thì phải đưa hết vào ngân sách, trình ra Quốc hội quyết định công khai, minh bạch. Cương quyết là vậy song ông Thụ cũng thừa nhận “làm việc này rất khó vì sẽ đụng chạm đến quyền lợi của các bộ, ngành”.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng đề xuất các khoản thu từ sử dụng đất, xổ số kiến thiết phải đưa vào ngân sách nhưng để cho các địa phương quyết định.

Chí Hiếu

Để lại một bình luận

0913.756.339