Chị Bích Hồng ở quận 3, TP HCM là người am hiểu và rất chuộng dùng các sản phẩm collagen, từ mỹ phẩm, viên uống cho đến các loại thực phẩm.
“Cách đây 3 năm, đọc tài liệu nước ngoài, tôi biết được collagen rất quan trọng khi chiếm 25% tổng lượng protein trong cơ thể, chiếm 75% cấu trúc da, giúp tạo sự đàn hồi và linh hoạt của da. Nhờ đó, collagen sẽ giúp làm chậm quá trình lão hoá ở xương, cơ, da”, chị Hồng giải thích và cho biết mỗi tháng chi trung bình 2 triệu đồng cho các sản phẩm collagen.
Tuy nhiên, cũng giống như các khách hàng chuộng sản phẩm collagen khác, lâu nay chị Hồng thường mua hàng xách tay qua nhiều kênh từ chợ, cửa hàng đến các spa, thẩm mỹ viện, nhà thuốc…, chủ yếu có xuất xứ từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Australia…
“Giá cả hàng collagen rất đa dạng vì có nhiều chủng loại, từ 300.000, 1,5 triệu đến 2 triệu đồng… đều có”, chị Hồng cho biết.
Hàng collagen, nhất là mỹ phẩm lâu nay thường vào Việt Nam qua đường xách tay. |
Nhận biết độ hấp dẫn của thị trường, ngay từ đầu năm nay, một loạt nhà sản xuất collagen lớn nước ngoài đã bắt tay với nhà phân phối trong nước đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam. Tháng 5/2014, Công ty Meiji Amino Collagen hiện đứng đầu thị trường sản phẩm bổ sung collagen tại Nhật, đã chọn Công ty Dược phẩm Thiên Thảo làm nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền. Vào tháng 9/2014, Proto-Col, hãng sản xuất sản phẩm chăm sóc và chống lão hóa da của Anh cũng ký kết với đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền là Công ty BCP Field Marketing…
Trong khi đó, một số công ty dược phẩm của Việt Nam cũng đã thâm nhập vào lĩnh vực này, như Công ty Sao Thái Dương tự nghiên cứu và sản xuất bộ sản phẩm collagen Tây Thi, bao gồm kem, nước dưỡng da collagen và thực phẩm chức năng viên uống collagen. Công ty Dược phẩm Danaphar thì chọn cách nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ, Pháp, Italy để cho ra một loạt sản phẩm như Collagen Cap, Collagen Nano, CollagenSol, Vieskin S. Chính vì phải nhập nguyên liệu, nên giá bán của Danaphar khá cao, ngang ngửa với hàng ngoại nhập.
Nhưng doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn nhất tính đến nay vẫn là Công ty Thủy sản Bình An (Binhanfishco) với sản phẩm nước uống collagen.
Năm 2010, ngành thủy sản khá bất ngờ khi Binhanfishco công bố đầu tư nhà máy sản xuất nước uống collagen tại Cần Thơ trị giá 10 triệu USD (khoảng 200 tỷ đồng). Khi đó, bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch của Binhanfishco chia sẻ rõ tham vọng là người tiên phong và nắm giữ thị trường trong nước ở lĩnh vực này.
“Binhanfishco đặt mục tiêu doanh thu năm đầu (2011) là 100 tỷ đồng, năm kế tiếp là 300 tỷ đồng, trong đó 30% nội địa và 70% xuất khẩu” bà Hiền Phát biểu vào thời điểm đó.
Không may sau đó, Công ty Bình An vướng phải sự cố nợ nần, dẫn đến tạm đóng cửa nhà máy nước uống collagen vào giữa năm 2012. Sản phẩm nước uống collagen Bình An sau một thời gian quảng bá rầm rộ, xâm nhập vào nhiều hệ thống siêu thị trong nước, đã lặng lẽ rút khỏi thị trường.
Binhanfishco lại có cơ hội tái xuất sản phẩm nước uống collagen ra thị trường sau hơn một năm lặng lẽ rút lui. |
Sau hơn một năm ngừng trệ, đến tháng 8/2012, sản phẩm nước uống collagen Bình An một lần nữa có cơ hội tái xuất khi Ngân hàng SHB (thuộc Tập đoàn T&T) mua lại 25 triệu cổ phần (tương đương 50% vốn điều lệ) của Binhanfishco. Chính thức vào cuối năm 2013, nước collagen của Công ty đã quay lại thị trường với 5 dòng sản phẩm collagen chứa kiwi, blueberry, dâu, đào, nha đam do T&T phân phối với giá bán chỉ bằng 1/7 – 1/8 giá nước uống collagen ngoại nhập.
Đại diện của Tập đoàn T&T cho biết không đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm 2014, nhưng sang năm 2015 sẽ hướng đến doanh thu trên 1.000 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khoảng 150 tỷ đồng.
Ngay sau khi Binhanfishco công bố nhà máy collagen, lập tức một số công ty thủy sản khác đã lên kế hoạch tham gia thị trường đầy hấp dẫn này, đặc biệt là doanh nghiệp cá tra với nguồn nguyên liệu chiết xuất ra collagen dồi dào.
Sau 3 năm chuẩn bị, Công ty thủy sản Vĩnh Hoàn đã chính thức chạy thử nghiệm nhà máy chiết xuất collagen và gelatin từ da cá tra với công suất 2.000 tấn một năm.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn cho biết sẽ kinh doanh collagen trên cả 2 phương diện bán nguyên liệu và bán sản phẩm. Theo tính toán, giá trị xuất khẩu của sản phẩm collagen từ phụ phẩm cá tra cao gấp 8 – 10 lần so với xuất khẩu cá thông thường.
Vĩnh Hoàn sẽ cung cấp sản phẩm 100% nguyên chất collagen cho người tiêu dùng dưới dạng bột pha uống. Nhưng cũng giống như Bianfishco, Vĩnh Hoàn cũng hướng đến xuất khẩu là chính, Nhật, Mỹ và châu Âu, chiếm khoảng 80% doanh thu.
“Vùng nguồn nguyên liệu cá của Vĩnh Hoàn đủ đáp ứng 60 – 70% nhu cầu phế phẩm cho nhà máy collagen”, bà Khanh nói.
Theo kế hoạch của Vĩnh Hoàn, dự kiến đến năm 2017, lợi nhuận từ collagen sẽ tăng khoảng 100 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn cá tra một năm và tổng sản lượng phụ phẩm như: đầu, xương, da, nội tạng, mỡ xấp xỉ 70% khối lượng nguyên liệu sẽ là nguồn cung ứng dồi dào cho việc sản xuất collagen.
Hoài Thanh