Ông Đỗ Văn Hiện trình bày vụ việc
Ông Đỗ Văn Hiện (SN 1949) mua mảnh đất rộng 1,5 hécta (diện tích thực tế 12.842,9m2) ở mặt tiền Tỉnh lộ 6, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM của người dân địa phương là Cao Hoài Đức vào tháng 9-1988.
Việc mua bán được lập giấy tờ sang nhượng. Cẩn thận hơn, hai bên còn vẽ họa đồ vào mặt sau giấy chuyển nhượng, chú thích chiều dài, bề rộng rồi cùng ký tên. Từ khi mua đất đến nay, gia đình ông Hiện làm nhà sinh sống và canh tác ổn định, hàng năm đều đóng đầy đủ các loại thuế nhà, đất và nhiều khoản phí khác của địa phương, biên lai ông còn giữ.
Theo hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường (TN-MT) và đăng ký nhà đất thuộc Sở TN-MT TPHCM, từ năm 1944 mảnh đất trên là một phần trong thửa đất của ông Cao Văn Máy (ông nội của ông Đức), loại đất trồng thơm. Theo sổ mục kê ruộng đất Tài liệu 299/TTg (do UBND xã Phú Mỹ Hưng lập năm 1984), chủ sử dụng phần đất trên là Hợp tác xã Hiệp Lợi, loại đất màu; còn tại sổ mục kê ruộng đất theo Chỉ thị 02/CT-UB lại biến thành đất rừng, nhưng phần chủ sử dụng bỏ trống! Riêng tài liệu địa chính (số) năm 2004, khu đất này diện tích 12.842,9m2, loại thổ vườn và chủ sử dụng là ông Đỗ Văn Hiện. Như vậy, thực tế từ năm 1944 đến nay khu đất trên hoàn toàn do tư nhân sử dụng.
Năm 2008 thửa đất của ông Hiện bị quy hoạch làm trường bắn, tuy nhiên Ban bồi thường – giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi chỉ hỗ trợ, đền bù hoa màu, vật kiến trúc với tổng số 309 triệu đồng (làm tròn) chứ không đền bù đất, vì cho rằng phần này nằm trong ranh rừng phòng hộ. Bức xúc, ông Hiện khiếu nại. Ngày 30-5-2011, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi – Lê Minh Tấn ban hành quyết định (QĐ) giải quyết khiếu tại (GQKN) số 7084/QĐ-UBND, bác đơn của ông Hiện. Không đồng ý, ông Hiện gửi đơn lên UBND TPHCM. Ngày 4-11-2013, UBND TPHCM ra quyết định GQKN số 5974/QĐ-UBND, công nhận và giữ nguyên quyết định GQKN số 7084/QĐ-UBND của UBND huyện Củ Chi, tiếp tục bác yêu cầu của ông Hiện.
Quyết tâm đi tìm công lý nên sau khi đọc kỹ các văn bản, quyết định GQKN của các cấp để làm hồ sơ khiếu kiện gửi cấp cao hơn, bất ngờ ông Hiện phát hiện ra sự nhầm lẫn cơ bản khiến đất của ông bị từ chối đền bù một cách oan ức. Đó là trong tất cả văn bản làm việc cũng như hai quyết định GQKN của UBND huyện Củ Chi và UBND TPHCM đều thể hiện đất của ông theo Tài liệu 299/TTg thuộc một phần thửa 83 tờ bản đồ số 02; còn tài liệu địa chính kỹ thuật số năm 2004 lại thuộc thửa 6 tờ bản đồ số 16 Bộ địa chính xã Phú Mỹ Hưng. Trong khi đó, trích lục tại Trung tâm Thông tin TN-MT và đăng ký nhà đất thuộc Sở TN-MT, thửa đất của ông Hiện theo Tài liệu 299/TTg là một phần thửa 95 tờ bản đồ số 02; còn theo bản đồ địa chính số năm 2004 thì khu đất này thuộc thửa 16 tờ bản đồ số 16, loại thổ vườn, chủ sử dụng chính là ông Hiện.
Như vậy đã có sự sai lệch hoàn toàn về vị trí thửa đất đền bù. Theo ông Hiện, vị trí thửa 83 tờ bản đồ số 02 (Tài liệu 299/TTg) trùng với thửa số 6 tờ bản đồ số 16 (bản đồ kỹ thuật số) là của một người dân địa phương, cách vị trí đất của ông ở thửa 95 tờ bản đồ số 02 (Tài liệu 299/TTg) và thửa 16 tờ bản đồ số 16 (bản đồ kỹ thuật số) gần 1km đồng thời nằm sâu trong rừng phòng hộ nên không được đền bù về đất là đúng. Trong khi đó đất của ông nằm ngoài rừng phòng hộ, có nguồn gốc mua bán đàng hoàng, sinh sống và canh tác ổn định suốt hơn 20 năm qua và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế, nếu không đền bù là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và các quy định của pháp luật hiện hành.
Có vẻ như ai đó đã cố ý làm sai lệch hồ sơ một cách hệ thống, tước bỏ quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Hiện? Phát hiện điều này, khổ chủ đã làm đơn tố cáo gửi các ban ngành chức năng huyện Củ Chi. Chúng tôi đề nghị các cấp thẩm quyền của TPHCM nhanh chóng vào cuộc, xác minh làm rõ vụ việc để người dân khỏi bị thiệt thòi.
Thuận Minh (Công an TP.HCM)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.