Chợ tăng giá thuê mặt bằng dựa vào căn cứ nào

Thời gian qua, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra các vụ bãi thị của các tiểu thương phản đối chủ đầu tư, ban quản lý vì một số nguyên nhân, trong đó chủ yếu vẫn là bất bình trước việc tăng giá thuê măt bằng. 

Trao đổi với Vnexpress, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chợ Đồng Xuân cho hay, việc đưa ra phương án tính toán điều chỉnh giá thuê tại chợ Đồng Xuân cho 5 năm tới đây được dựa trên các căn cứ tính toán mức tiền thuê đất, thuế và phí.

dxuan-7203-1417497154.jpg

Mức chênh lệch giữa giá mới và giá cũ cho sạp hàng tại chợ Đồng Xuân dao động từ 91.000 đến 445.000 đồng mỗi tháng. Ảnh: Thành Tâm

Theo đó, tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là khoản đóng cố định và lớn nhất của chợ. Cụ thể, theo khung giá mới ban hành từ năm 2015 hai khoản tiền trên công ty phải chi trả lên tới gần 6,4 tỷ đồng thay vì 2,5 tỷ như hiện nay.

“Với giá thuê đất là 46,039 triệu đồng một m2 cộng với hệ số và phần trăm sử dụng đất cũng thay đổi thì riêng số tiền phải  trả cho diện tích 14.015 m2 chợ cũng đã tăng lên gấp 249 lần so với trước đây”, ông Thủy lý giải. Ngoài ra, các khoản chi phí quản lý khác bao gồm tiền lương, nước, quét dọn vệ sinh, thu gom rác, quản lý hành chính, đầu tư xây dựng cơ bản tăng, tỷ lệ trượt giá hàng tiêu dùng cũng tăng bình quân 7-14% trong 5 năm qua.

Trong khi đó, giải thích nguyên nhân tăng giá thuê mặt bằng tại An Đông Plaza (TP HCM) ban quản lý ở đây cho biết, theo nguyên tắc thị trường giá thuê năm 2010 được lấy làm tham chiếu. Bình quân một m2 gian hàng tại An Đông Plaza sẽ có giá 6,3 triệu đồng, cộng 3% tỷ lệ tăng thêm. Cùng đó công ty áp dụng điều chỉnh hệ số tăng, giảm giá theo tùy từng vị trí gian hàng, trong đó, điều chỉnh giảm đối với những gian hàng có điều kiện kinh doanh kém thuận lợi và tăng giá đối với những sạp có vị trí tốt gần thang máy, lối thoát hiểm, hai mặt tiền…

“Sau khi cộng dồn các tiêu chí kể trên, chúng tôi định ra mức giá cho một m2 sạp dao động 8-11 triệu đồng mỗi tháng trong thời gian 5 năm”, ông Dương Duy Mỹ – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư An Đông cho biết.

Nói rõ hơn về mức tăng, đại diện ban quản lý chợ Đồng Xuân cho biết với 2.280 hộ kinh doanh tại các vị trí khác nhau trong chợ thì một sạp hàng giá thuê thấp nhất chưa đến 350.000 đồng một tháng, bình quân 5 năm chỉ tăng thêm 91.000 đồng. Trong khi đó với một kiốt hiện nay mức thuê cao nhất là trên 1,6 triệu đồng thì sau khi điều chỉnh tăng mức chênh lệch là trên gần 500.000 đồng.

“Nhìn phần trăm điều chỉnh tăng thì cao nhưng tính ra mức tăng lại không đáng kể. Nếu so với 1-2 m2 gian hàng thuê bán bán tại vỉa hè  khu chợ đêm còn có giả cả triệu đồng một tháng”, ông Thủy so sánh.

Tuy nhiên, theo các tiểu thương những căn cứ tính giá mới mà ban quản lý các chợ đưa đều bất hợp lý và chưa minh bạch. Hầu hết các tiểu thương cho rằng quyền lợi của người thuê ghi tại hợp đồng mới không nhiều, trong khi chi phí thuê tăng gây rất nhiều khó khăn trong kinh doanh buôn bán. Mong muốn của tiểu thương là giữ nguyên nội dung hợp đồng cũ. “Các phương án mà chủ đầu tư đưa ra đều áp các tiểu thương vào đường cùng. Mong muốn của bà con là công ty nếu không giảm giá đã công bố thì giữ nguyên hợp đồng cũ”, ý kiến chung của một số tiểu thương đã từng bày tỏ.

Theo ban quản lý chợ Đồng Xuân, kế hoạch điều chỉnh mức giá thuê mặt bằng đã được UBND quận Hoàn Kiếm thông qua. Sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp của tiểu thương sẽ báo cáo Sở Tài chính để tiến hành thẩm định để trình lên Thành phố. “Mọi việc đều được làm công khai minh bạch, sau đó chúng tôi sẽ tập hợp mọi ý kiến của bà con tiểu thương để trình lên cơ quan quản lý”, ông Thủy khẳng định.

AnDongPlaza1-copy-2738-1417497154.jpg

Mức giá mới được ban quản lý chợ An Đông đưa ra từ 8 đến 11 triệu đồng một m2 mỗi tháng trong 5 năm. 

Trước đó, lãnh đạo TP HCM đã yêu cầu sở ban ngành và UBND quận 5 thẩm định, xây dựng bảng giá rõ ràng minh bạch phù hợp với mặt bằng chung và điều kiện kinh doanh của tiểu thương tại An Đông Plaza.

Tiến sỹ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng lợi ích giữa ban quản lý chợ với với tiểu thương chưa thỏa đáng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bãi thị tại nhiều tỉnh, thành trong thời gian qua. Tâm lý người bán hàng luôn muốn giữ nguyên mức giá thuê, thậm chí giảm được đồng nào hay đồng đó. Còn với tư cách của những đơn vị quản lý cũng có những cái khó trong điều kiện giá cả chi phí tăng cao.

Theo ông Long để hài hòa giữa hai bên, cơ quan quản lý Nhà nước cần đứng ra làm trọng tài tiến hành thẩm định lại tất cả các căn cứ pháp lý để tính ra chi phí. Nếu tính đúng, tính đủ thì công khai để đông đảo tiểu thương hiểu và chia sẻ. Nếu các mức tăng quá cao hoặc chưa hợp lý, yêu cầu làm rõ hoặc giảm để không đội chi phí cho các tiểu thương.

“Một khi lợi ích giữa các bên không được giải quyết thì từ sự việc của một chợ sẽ kéo theo các chợ khác trong cả nước. Cứ bất bình là bãi thị, dần dần tạo tiền lệ không tốt trong xã hội như tại các địa phương thời gian qua cho dù vì bất cứ lý do gì”, chuyên gia lo ngại.

Theo khảo sát của VnExpress, do là khu phố trung tâm sầm uất, lại nhiều khách du lịch lui tới nên các cửa hàng diện tích nhỏ từ 20 đến 30m2 tại quanh khu vực Đồng Xuân như phố Hàng Khoai, Cầu Đông đang là lựa chọn tìm thuê của không ít người cho dù mức giá từ 35-45 triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài ra các ki ốt với diện tích từ 2-4m2 với giá từ 5-7 triệu đồng một tháng cũng được không ít người chuyển nhượng. Chị Mai vừa thuê lại hai kiốt để kinh doanh mỹ phẩm handmade cho biết, nói là kiốt nhưng thực tế chỉ là góc vỉa hè, nhưng do ở vị trí đắc địa ngay cuối khu chợ đêm phố cổ nên rất thuận tiện để kinh doanh vào các buổi tối cuối tuần. Để tìm được vị trí ưng ý này chị mất khoảng 10% giá thuê cho môi giới. Chưa kể đến một số phí phát sinh khác chị phải trả mà không được đề cập đến trong hợp đồng với người cho thuê.

 Thành Tâm – Thi Hà

Để lại một bình luận

0913.756.339