– Những ngày qua, dư luận quan tâm tới việc hơn 100 phi công tại Vietnam Airlines xin nghỉ ốm tập thể, muốn chuyển việc và địa chỉ được nhiều người nghĩ tới là Vietjet. Quan điểm của hãng đối với sự việc này như thế nào?
– Trong ngành hàng không, bất ổn nhân sự của bất cứ hãng nào cũng ảnh hưởng tới những đơn vị khác, rộng hơn là ảnh hưởng tới hình ảnh của ngành hàng không Việt Nam. Nếu thực sự có tình trạng phi công lãn công đòi chuyển việc thì Vietjet cũng không tán thành. Nó xảy ra với hãng này thì cũng có thể xảy ra với hãng khác.
Ông Lưu Đức Khánh cho rằng môi trường làm việc là yếu tố quan trọng để giữ chân phi công. |
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở với các hãng hàng không khác, thống nhất đưa ra những biện pháp cùng cải thiện môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, cùng có những kiến nghị với cơ quan quản lý để xây dựng những quy định đảm bảo môi trường lao động lành mạnh và hội nhập.
– Đã có một số nhân sự của Vietnam Airlines chuyển sang Vietjet làm việc, trong đó có phi công. Ông nói gì về chuyện này?
– Để chuẩn bị nhân sự lái cho năm 2015, chúng tôi có kế hoạch khoảng 275 người, nhưng gần 90% số này là người nước ngoài. Phi công từng làm việc tại Vietnam Airlines chỉ có 27 người. Tất cả họ đều được tuyển dựa trên quy trình của hãng, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng và khá nghiêm ngặt. Phi công nước ngoài thì được tuyển qua các công ty môi giới.
– Có tốc độ tăng trưởng cao về số lượng máy bay trong thời gian tới, Vietjet làm thế nào để tuyển dụng đủ đáp ứng nhu cầu?
– Chúng tôi đang khai thác 20 tàu bay A320 và dự kiến nhận thêm 6-12 chiếc mỗi năm nữa. Với số máy bay như vậy thì rõ ràng Vietjet có nhu cầu tuyển dụng phi công, tiếp viên, kỹ sư… Riêng trong năm qua, chúng tôi đã có 9 đợt tuyển dụng tiếp viên.
Ngoài thi tuyển, để đáp ứng nhu cầu phát triển, chúng tôi cũng đang tiến tới tự đào tạo. Hơn 3.000 lượt học viên đã qua Trung tâm đào tạo của hãng trong năm qua. Mới đây, Vietjet cũng tổ chức đào tạo 23 học viên phi công cơ bản tại Mỹ. Chi phí để đào tạo mỗi học viên khoảng 100.000 USD, sau khoảng 1,5 năm là hoàn thành đào tạo cơ bản. Sau khi huấn luyện chuyển loại, thực hành bay, học viên có thể bắt đầu công việc người lái.
– Trong ngành hàng không, yếu tố nào có thể giúp các hãng giữ chân nhân lực chất lượng cao như phi công, kỹ sư, điều hành bay…?
– Yến tố then chốt là môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ. Để giữ chân nhân viên, cần mang đến cho họ môi trường làm việc quốc tế, chuyên nghiệp, vui vẻ, cơ hội đào tạo và thăng tiến. Nhân viên phải luôn được sáng tạo và thử thách.
Đặc thù của nghề phi công trên thế giới là tính nghiệp đoàn rất cao. Người ta đã chứng kiến những đợt đình công của phi công, kỹ thuật hàng không ở các nước gây ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Các hãng cần có chính sách để ngăn ngừa hiện tượng này và sẵn sàng kịch bản để chủ động nếu tình huống này xảy đến.
Đa số phi công của Vietjet là người nước ngoài. Đội ngũ phi công Việt Nam chủ yếu là những người từng làm ở Vietnam Airlines. |
– Trong năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Cạnh tranh nhân lực khi đó thậm chí còn vượt biên giới quốc gia. Vietjet chuẩn bị như thế nào cho xu hướng này?
– Đây là thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt nam. Đặc thù của hoạt động hàng không là nguồn nhân lực phi công, kỹ thuật, điều hành bay mang tính quốc tế hóa rất cao, đồng nhất về tiêu chuẩn giữa các nước và dễ dàng chuyển dịch. Tôi cho rằng nếu chính sách đãi ngộ được xây dựng theo hướng hội nhập theo mặt bằng trong khu vực thì khả năng thu hút nguồn nhân lực tới làm việc ở Việt Nam sẽ không gặp vấn đề lớn.
Ngược lại, Việt Nam cũng đã cung cấp kỹ sư phần mềm cho một số nước. Chúng ta cũng nên sẵn sàng với việc cung cấp ra nước ngoài nguồn lực hàng không kỹ thuật cao. Điều này hứa hẹn mang lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao thu nhập cho người Việt.
Thanh Bình