Cải cách ở Trung Quốc: Tìm bồ công anh trong bãi mìn

Trên Australian Financial Review, Ma Zhengang – cố vấn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ công bố các biện pháp cải tổ mới trong tháng này. Tuy nhiên, đà cải cách tại Trung Quốc rõ ràng đang giảm đi và những lời cam kết từ năm ngoái đang dần lu mờ vì những lợi ích riêng.

Ma cho biết Trung Quốc sẽ công bố “các quy định và cải cách tài chính giữa Chính phủ và thị trường, giữa trung ương và địa phương”. “Chính phủ và người dân Trung Quốc đang rất quyết tâm đột phá trong cải tổ. Sẽ có rất nhiều biện pháp được tung ra trong mọi lĩnh vực”, ông nói.

Tuy nhiên, Forbes bình luận cải tổ ở nước này đã chững lại từ năm ngoái, sau tuyên bố nổi tiếng “để thị trường đóng vai trò quyết định”. Kể từ đó, một số biện pháp đã được áp dụng, nhưng đa phần là rất nhỏ, ví dụ như bỏ trợ cấp đi lại với công chức nhà nước.

china-9588-1413178072.jpg

Trung Quốc chỉ áp dụng được vài biện pháp cải cách lớn trong gần một năm qua. Ảnh: AP

“Từ năm ngoái, Bắc Kinh chỉ có một thay đổi lớn duy nhất. Đó là chấm dứt lệnh cấm chính quyền địa phương bán trái phiếu đã tồn tại 2 thập kỷ”, Australian Financial Review nhận xét. Một thay đổi khác đáng chú ý là nới rộng biên độ giao dịch cho đồng NDT. Tuy nhiên, kể cả hai cải cách này có quan trọng đến mấy, nhìn chung, Trung Quốc cũng chẳng có nhiều thay đổi sau gần 12 tháng nỗ lực.

Hơn nữa, Trung Quốc gần đây còn có các biện pháp đi ngược cải tổ, như tăng điều tra thao túng giá tại các doanh nghiệp nước ngoài hay tăng trợ giá cho công ty quốc doanh. Vì vậy, thị trường nước này càng trở nên khó khăn với công ty ngoại và doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi doanh nghiệp nhà nước sử dụng quyền lực của mình để củng cố vị trí. “Họ hưởng lợi từ các cuộc vận động chống thay đổi”, Nicholas Lardy tại Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson cho biết trên Wall Street Journal.

Các nỗ lực cải tổ cũng được đánh giá là nửa vời. Khi đầu tháng 3, Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử để một công ty vỡ nợ. Đó là hãng sản xuất tấm năng lượng mặt trời – Shanghai Chaori Solar Energy Science & Technology. Tuy nhiên, sau đó, họ lại được tới 9 công ty cứu trợ, trong đó có hãng quản lý tài sản China Great Wall Asset Management tháng trước. Việc này cho thấy Trung Quốc chẳng để thị trường đóng vai trò nào cả, chứ chưa nói đến vai trò chủ chốt.

Bất chấp lời nói của các lãnh đạo tại Bắc Kinh và suy nghĩ của những người lạc quan, khái niệm cải tổ rõ ràng không hề đồng nhất với “Giấc mơ Trung Quốc”. Theo lý giải của Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình, giấc mơ của người dân nước này là được lãnh đạo bởi một chính quyền hùng mạnh. Cải tổ sẽ khiến Trung Quốc hùng mạnh, nhưng lại làm suy yếu quyền lực của chính quyền.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lại là cải tổ sẽ làm chậm nền kinh tế. Vài ngày tới, Cơ quan Thống kê và Hải quan nước này sẽ công bố các báo cáo tháng 9. Giới phân tích dự đoán đây sẽ lại là những con số bi quan. Thêm vào đó, gần đây, Thủ tướng Trung Quốc – Lý Khắc Cường thi thoảng cũng đề cập đến những số liệu ảm đạm, và luôn cố gắng giảm kỳ vọng của mọi người. Ví dụ như hồi tháng 7, ông tuyên bố tăng trưởng thấp hơn mục tiêu 7,5% “một chút” cũng vẫn “chấp nhận được”.

Việc chấp nhận tăng trưởng dưới mục tiêu được coi là một bước đi đúng đắn, do nó có nghĩa Chính phủ đã sẵn sàng giảm kích thích. Tuy nhiên, ông Lý có vẻ không quá thật lòng với câu nói này.

Tháng trước, Wall Street Journal đưa tin Thủ tướng Trung Quốc yêu cầu Ngân hàng trung ương cho vay 1.000 tỷ NDT (162 tỷ USD) cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc với lãi suất thấp hơn thị trường. Khoản vay này được gia hạn từ tháng 4 và không khai.

Trên lý thuyết, ông có thể tăng tốc cải tổ để tạo ra vòng tăng trưởng mới cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như không thể thực hiện các thay đổi lớn vào lúc này. Vì vậy, ông chẳng còn cách nào khác là bơm tiền để kích thích. Tuy nhiên, kể cả động thái này cũng đang dần kém hiệu quả, do Trung Quốc đã bơm tiền ồ ạt trong những năm qua. “Trong hệ thống đã có sẵn lượng tiền khổng lồ chẳng được dùng đến rồi”, Derek Scissors tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho biết.

Forbes đặt ra câu hỏi liệu Chính phủ Trung Quốc có đang chán cải cách? Những cuộc nói chuyện về cải cách kinh tế tại nước này “cũng như đi tìm bồ công anh trong bãi mìn vậy”, Anne Stevenson-Yang tại hãng nghiên cứu J Capital cho biết. Do lãnh đạo Trung Quốc đã trì hoãn cải tổ quá lâu, khiến nền kinh tế trở nên kiệt quệ và hậu quá có thể trầm trọng hơn dự đoán.

Forbes cũng nhận định ông Lý Khắc Cường đã không thể thực hiện cải tổ, và cũng mất khả năng kiểm soát nền kinh tế. Vì vậy, chẳng bao lâu nữa, đà tăng tại Trung Quốc sẽ biến mất.

Hà Thu

Trả lời

0913.756.339