Công nghệ càng phát triển, điện thoại thông minh và máy tính bảng chiếm lĩnh thị trường khiến nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking hơn là những cách thức truyền thống. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ này trên cả nước với tốc độ tăng trưởng 20-30% mỗi tháng.
Dịch vụ Mobile Banking đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam với nhiều tiện ích được tích hợp |
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của khách hàng, các nhà băng đã tích hợp nhiều tiện ích trên ứng dụng thông minh này như truy vấn thông tin, chuyển khoản nội mạng, chuyển khoản liên ngân hàng, gửi tiết kiệm trực tuyến, nạp tiền điện tử… Nhưng đi cùng với các sản phẩm công nghệ là những rủi ro cho quá trình bảo mật, giao dịch thương mại điện tử.
Dưới đây là một số lưu ý dành cho khách hàng của các chuyên gia bảo mật tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) để tránh những giây phút sơ suất, mất cảnh giác khi sử dụng Mobile Banking.
Cẩn thận với mật khẩu
Nếu mật khẩu Mobile Banking bị lộ và hacker biết thêm một số thông tin cá nhân khác như tên, ngày tháng sinh, số chứng minh nhân dân…, khách hàng rất có thể sẽ bị lợi dụng. Tin tặc có thể lấy thông tin, mật khẩu để kích hoạt và sử dụng ứng dụng trên một thiết bị khác, khi đó tài khoản đã bị “sang tay” mà khách hàng không hề biết.
Để phòng tránh rủi ro này, đại diện của OceanBank khuyến nghị khách hàng luôn khóa điện thoại, đổi mật khẩu sớm nhất sau khi nhận được thông tin kích hoạt dịch vụ. Không nên đặt các mật khẩu dễ đoán như ngày sinh, tên, số điện thoại… Mật khẩu nên gồm cả chữ thường, chữ hoa, con số và ký tự đặc biệt. Tuyệt đối không tiết lộ mật khẩu cho người khác và nên thay mật khẩu thường xuyên, không viết mật khẩu ra giấy hoặc những nơi dễ thấy.
Người dùng Mobile Banking cũng nên đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking. Khi có tin nhắn thông báo biến động số dư đáng nghi từ các giao dịch, khách hàng cần báo ngay cho ngân hàng để tạm dừng dịch vụ, sau đó yêu cầu đổi thông tin kích hoạt và kích hoạt lại tài khoản.
Phòng tránh virus lấy cắp thông tin
Vài năm trở lại đây, trên thế giới đã xuất hiện một số loại virus được tin tặc tạo ra để lấy cắp tiền trong tài khoản của khách hàng. Theo đó, tin tặc sẽ lừa khách hàng truy cập vào một liên kết có chứa mã độc và hiển thị giả mạo thông báo ngân hàng để lừa nạn nhân cung cấp số điện thoại.
Khi có được số điện thoại, tin tặc tiếp tục giả mạo các thông điệp của ngân hàng để lừa nạn nhân cài đặt phần mềm trên điện thoại, thực chất là phần mềm lấy trộm các thông tin xác thực của khách hàng. Với việc lấy được thông tin xác thực quan trọng này, tin tặc có thể thực hiện cài đặt và kích hoạt ứng dụng Mobile Banking trên thiết bị khác và thực hiện các giao dịch chuyển tiền đi từ tài khoản của khách hàng.
Để hạn chế được tối đa loại rủi ro này, chuyên gia về an ninh mạng cho biết khách hàng nên kiểm tra kỹ và chỉ cài đặt ứng dụng Mobile Banking theo các thông báo chính thức của ngân hàng, cập nhật thường xuyên ứng dụng khi có thông báo từ ngân hàng và tuyệt đối không truy cập các link rác trên Facebook, email, sms. Khách hàng cũng nên cẩn thận khi tải bất cứ ứng dụng, game nào chưa rõ nguồn gốc và nên trang bị những phần mềm bảo mật đảm bảo thiết bị được bảo vệ tối đa.
Giảm thiệt hại khi bị mất điện thoại
Nếu bị mất điện thoại, tài khoản của khách hàng vẫn được đảm bảo an toàn vì để sử dụng ứng dụng và thực hiện giao dịch cần phải xác nhận lại bằng mật mã mà chỉ có chủ tài khoản mới biết. Tuy nhiên, kẻ gian cũng có thể lợi dụng những thông tin trong điện thoại. Chính vì vậy, khi bị mất điện thoại, khách hàng nên liên hệ ngay với ngân hàng để tạm khóa thuê bao đăng ký Mobile Banking, đồng thời liên hệ với nhà mạng khóa SIM điện thoại. Sau khi đã khôi phục được số điện thoại một cách an toàn, cần tải lại ứng dụng và liên hệ ngân hàng hỗ trợ kích hoạt tài khoản.
Bên cạnh đó, để bảo vệ dữ liệu trong điện thoại khi bị mất, khách hàng nên tìm hiểu những ứng dụng, tiện ích trên chính điện thoại của mình theo từng hệ điều hành như: Find my iPhone qua tài khoản iCloud, Android Device Manager với tài khoản Google…
Minh Châu