Bộ trưởng Tài chính: ‘Bán 137.000 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ 3 năm qua’

Là thành viên đầu tiên của Chính phủ tham gia phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính – Đinh Tiến Dũng đã dành toàn bộ thời gian để báo cáo thêm vấn đề quản lý nợ công – câu chuyện được nhiều đại biểu quan tâm nhất kể từ đầu kỳ họp đến nay.

Bo-truong-tai-chinh-1622-1414662954.jpg

Bộ trưởng Tài chính cho biết tỷ lệ nợ công sẽ bắt đầu giảm từ năm 2017.

Chia sẻ vấn đề nợ công là băn khoăn chung của Chính phủ và Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định các chỉ tiêu quản lý nợ của Việt Nam hiện vẫn trong giới hạn cho phép (nợ Chính phủ và nợ nước ngoài dưới 50%, nợ công dưới 65%). Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận tình hình đang rất khó khăn.

Nguyên nhân được vị trưởng ngành đưa ra là tình hình kinh tế khó khăn, trong khi phải đảm bảo nhiều khoản chi an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu, nhu cầu đầu tư lớn. Điều này khiến nợ công tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ. Đến năm 2015, khoản nợ này tương đương 64,2% GDP.

Mặc dù Việt Nam luôn đảm bảo trả đầy đủ, kịp thời các khoản đến hạn, không phát sinh nợ xấu, tỷ lệ vay trong nước tăng lên, song Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận cơ cấu nợ hiện không bền vững, phần lớn các khoản vay trong nước là ngắn hạn, phải phát hành trái phiếu đảo nợ với tổng số tiền dự toán trong vòng 3 năm qua khoảng 137.000 tỷ đồng.

Cụ thể, số phát hành năm 2012 là 20.000 tỷ, 2013 là 40.000 tỷ và theo dự toán năm 2014 là 77.000 tỷ. “Nếu thu ngân sách vượt lên theo báo cáo Quốc hội, có thể bố trí vào thì con số của năm 2014 có thể giảm đi. Còn dự toán năm 2015 là 130.000 tỷ”, Bộ trưởng cho biết.

Trước đó, câu chuyện quản lý nợ được đặt ra ngay từ đầu phiên họp khi báo cáo được Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng trình bày nhận định nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh. Tỷ lệ chi trả trực tiếp từ ngân sách ở mức 14,2%, tuy vẫn trong ngưỡng cho phép tại chiến lược Quản lý nợ công (không quá 25%) nhưng nếu tính cả phần vay đảo nợ, con số này hiện đã ở mức 26,2% GDP.

Cùng với việc vay nợ nhiều, câu chuyện chi tiêu của cơ quan điều hành cũng nhận được nhiều quan tâm khi tỷ lệ chi thường xuyên hiện chiếm tới 70% tổng chi ngân sách. Trong phiên thảo luận về Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi ngày 29/10, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngaị về việc Quốc hội thường xuyên phải “chạy theo” để hợp thức hóa các khoản chi, trong đó có không ít khoản nằm ngoài dự toán được duyệt trước đó.

Nhật Minh

Để lại một bình luận

0913.756.339