Hàng loạt khu nhà tạm quy mô lớn mọc lên dọc tuyến đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) – Ảnh: Lâm Hoài
Gọi là “tạm” nhưng đó là những nhà xưởng, gara ôtô, bãi giữ xe, quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu, sân bóng nhân tạo quy mô rất lớn…
Dù các công trình tồn tại lâu gây nhức nhối, nhưng đến nay vẫn không có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm về sự xuất hiện cũng như xử lý các công trình này như thế nào.
Công trình quy mô gắn mác “tạm”
Chạy dọc suốt 1km trên phố Dương Ðình Nghệ (Q.Cầu Giấy) – nơi xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi hàng loạt xưởng mộc, kiốt bán đồ gỗ, xưởng cơ khí, gara ôtô tối 18-10, chúng tôi ghi nhận hàng chục kiốt, cửa hàng được dựng lên kinh doanh đủ loại mặt hàng. Trong đó có nhiều nhà hàng, quán nhậu hoạt động tấp nập.
Theo UBND P.Yên Hòa (Q.Cầu Giấy), các nhà tạm này mọc trên khu đất từng được TP cho phép khai thác tạm với điều kiện “tuyệt đối không được xây dựng các công trình kiên cố trên khu đất”.
Thế nhưng trong thực tế, những công trình “tạm” này là gara ôtô, quán cà phê, xưởng, nhà hàng, quán nhậu quy mô rất lớn, được xây dựng chắc chắn. Hiện nay đang có tới 80 cá nhân, đơn vị thuê lại và xây dựng các công trình tại đây…
Một điểm nóng nhức nhối khác là hàng loạt khu đất dự án bỏ hoang nằm dọc đường Nguyễn Xiển – nơi giáp ranh giữa ba địa bàn: Q.Thanh Xuân – Q.Hoàng Mai và H. Thanh Trì.
Vài năm lại đây, dọc tuyến này đã mọc lên cả trăm sân bóng, nhà xưởng, quán ăn, nhà hàng… tạm tạo nên cảnh lộn xộn, nhếch nhác trên một vùng đất rộng lớn.
“Ðiển hình” nhất phải kể đến toàn bộ diện tích của dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính (Q.Thanh Xuân), dù thành phố yêu cầu quận này chỉ khai thác tạm thời đến tháng 8-2014 và “không cho tổ chức, cá nhân sử dụng làm điểm đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp”…, nhưng đến nay nơi đây vẫn bừa bộn với hàng chục sân bóng cỏ nhân tạo hoạt động rầm rộ cả ngày đêm, thậm chí có cả bãi đỗ ôtô được tráng bêtông kiên cố cùng hàng loạt dịch vụ quán nước, gara…
Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, theo Sở Cảnh sát PCCC, những công trình gắn mác “tạm” không được quan tâm về phòng cháy. Kết cấu công trình sử dụng khung sắt mái tôn, phía trong chứa nhiều đồ đạc, hàng hóa nên khi xảy ra cháy rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy.
Án binh bất động trong xử lý
Ở khu đất tại công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tháng 4-2014 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã ký công văn yêu cầu Q.Thanh Xuân quản lý toàn bộ khu đất theo đúng quy hoạch và “không cho thuê tạm thời để sử dụng vào mục đích khác dưới bất kỳ hình thức nào”.
Ðồng thời yêu cầu chủ tịch Q.Thanh Xuân chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền việc lấn chiếm, xây dựng trái phép cả trong và ngoài khu đất dự án, xử lý vi phạm trật tự xây dựng… nhưng đến nay các hạng mục công trình trên khu đất này vẫn tồn tại mà không thấy đơn vị nào xử lý.
Cách đây vài tháng, hàng loạt nhà xưởng dọc đường Nguyễn Xiển cũng đã được cơ quan liên ngành thanh tra xây dựng, công an tháo dỡ. Thế nhưng hiện nay chạy dọc tuyến đường này, các nhà xưởng, nhà hàng, sân bóng vẫn hoạt động nhộn nhịp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Viết Ngôn – phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội – cho rằng việc xử lý các nhà tạm là một tồn tại phức tạp cần phải xem xét từ gốc, đồng thời liên quan tới rất nhiều đơn vị.
Trong đó, theo ông Ngôn, đầu tiên cần xem xét trách nhiệm giao đất. Nếu giao đất làm dự án nhưng không thực hiện thì cần phải thu hồi, hoặc nếu không thu hồi thì phải quy định giữ nguyên hiện trạng. Thứ hai, để mọc lên các nhà tạm, theo ông Ngôn, chính quyền địa phương là nơi phải chịu trách nhiệm.
“Hiện nay có hàng nghìn công trình tạm, thanh tra xây dựng chỉ ký quyết định xử lý vi phạm khi đã phát hiện, còn công tác nắm bắt, phát hiện phải là từ các phường, xã” – ông Ngôn lý giải.
Về vai trò của thanh tra xây dựng, ông Ngôn cho rằng “muốn phá thì phá được ngay thôi”, nhưng hầu hết công trình đã đi vào hoạt động ổn định từ rất lâu rồi nên rất khó dẹp bỏ ngay được…
Còn đại tá Trần Văn Sơn, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP, cho rằng rất khó quản lý các công trình này.
Ông Sơn cho biết vào tháng 4-2014, khi hàng chục nhà tạm trên đường Dương Ðình Nghệ xây dựng xong, Sở Cảnh sát PCCC mới được báo cáo. Và đến khi xảy ra cháy ở đây vừa qua, toàn bộ công trình vẫn chưa được thẩm duyệt về PCCC.
Kiểm tra, xử lý toàn bộ nhà tạm trên đất dự án Đó là chỉ đạo mới nhất của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trong buổi làm việc của Ban chỉ đạo 197 thành phố với các sở ngành, quận hôm 22-10. Ông Hùng khẳng định việc các doanh nghiệp có đất dự án nhưng không triển khai mà quây đất, cắm rào rồi cho xây hàng loạt nhà tạm kinh doanh đủ thứ vừa gây ô nhiễm vừa làm mất an ninh trật tự. “Mục đích cấp đất cho anh là làm dự án, anh chưa làm dự án thì anh phải dừng, chứ anh tranh thủ quây lên làm nơi kinh doanh ăn uống, gara ôtô, đủ thứ rồi cháy nổ đe dọa dân cũng từ đó mà ra… Tôi đề nghị Sở Xây dựng chủ trì cùng Công an thành phố và các quận, huyện tập trung xử lý ngay các khu nhà tạm biến tướng trên tất cả khu đất dự án hiện nay không triển khai…” – ông Hùng chỉ đạo. |
Lâm Hoài (Tuổi trẻ)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.