Bất động sản trở thành “khối u ác tính” giết chết PVL

Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) là thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ “khủng”, sự chống lưng của Tập đoàn dầu khí, PVL “hùng hổ” bước vào thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM với 2 dự án Petro Vietnam Landmark (phường An Phú, quận 2) và Petrovietnam Green House (phường Linh Tây, quận Thủ Đức). Những tưởng, PVL sẽ trở thành một “đại gia” trong giới kinh doanh địa ốc trong tương lai. Thế nhưng, giờ đây chính BĐS đang giết chết PVL.

Hình ảnh hoang tàn tại dự án Petrovietnam Green House

Khốn cùng vì BĐS

2 dự án được coi là “nổi tiếng” nhất của doanh nghiệp này và cũng gắn với nhiều tai tiếng là Dự án Petrovietnam Landmark và Petrovietnam Green House. Cũng chính từ 2 dự án trên, lãnh đạo của PVL “dính phốt”. Theo đó, ngày 17/1/2014, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã có Thông báo về việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PVL, về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ Luật Hình sự.

Thông tin trên báo chí cho biết, năm 2011, PVL triển khai đầu tư dự án chung cư Linh Tây ở quận Thủ Đức với quy mô 1 tầng hầm và 18 tầng nổi. Mặc dù đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt và dự án đã thi công xong phần móng và tầng hầm nhưng ông Hoàng Ngọc Sáu vẫn có tờ trình xin HĐQT công ty điều chỉnh lên 22 tầng.

Trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM phê duyệt thì ông Sáu đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần thiết kế VNLand thiết kế bản vẽ thi công theo phương án 22 tầng với tổng trị giá hợp đồng hơn 9 tỷ đồng. PVL đã xuất tiền chuyển 90% trị giá hợp đồng cho VNLand (hơn 8,1 tỷ đồng). Ngày 9/10/2012, UBND TP.HCM đã ra văn bản số 7938 không phê duyệt phương án điều chỉnh dự án chung cư lên 22 tầng, do vậy bản thiết kế không sử dụng được gây ra thiệt hại lớn cho PVL.

Với dự án PetroVietnam Landmark, PVL cũng đã “dính cú đấm đau” khi đơn vị này trả trước cho phía người bán – chủ đầu tư là CTCP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC-Land) hơn 248 tỷ đồng theo tiến độ mua 139 căn hộ (tổng giá trị hợp đồng 346 tỷ đồng) và được “hứa hẹn” sẽ bàn giao vào cuối năm 2011.

Được biết, trong “phi vụ” này, ông Hoàng Ngọc Sáu đã ký hợp đồng thuê hơn 1.000 m2 trong số hơn 92.000 m2 của dự án để làm sàn giao dịch BĐS với giá thuê 8.720USD/tháng, thời hạn cho thuê trong 5 năm. PVL đã thanh toán cho PVC-Land hơn 11,2 tỷ đồng.

Qua xác minh của cơ quan điều tra cho thấy không có diện tích nào của dự án chung này mà PVC-Land thuê rồi cho PVL thuê lại làm sàn giao dịch BĐS. Hành vi trên có dấu hiệu lừa đảo.

Không lãnh đạo chủ chốt, không tiền, dự án thì tai tiếng triên miền, PVL như rắn mất đầu vô định.

Có cắt bỏ “khối u ác tính” BĐS?

Theo tìm hiểu của PV, trong đăng ký nghành nghề kinh doanh của PVL, có các mảng như, BĐS, lập dự án, xây dựng các dự án nhà, khách sạn, kinh doanh, xuất nhập khẩu vật tư, máy móc, khai thác chế biến và kinh doanh khoáng sản… trong đó, mảng kinh doanh chính là BĐS. Tuy nhiên, mảng BĐS của PVL từ cuối năm 2011 đã không mang lại hiệu quả do khó khăn trong việc triển khai và phân phối các dự án. Cụ thể, đó là 2 dự án đầu tư PetroVietnam Landmark và PetroVietnam Greenhouse.

Với dự án Petro Vietnam Landmark, đây là dự án mà PVL gặp vấn đề rắc rối đã nhiều năm nay, hơn 4 năm xây dựng đến nay dự án đã xây dựng xong phần thô với tổng giá trị thực hiện hơn 892 tỷ đồng, muốn hoàn thành phải cần thêm 414 tỷ đồng. Như vậy, một lượng tiền lớn bị “ứ đọng” tại dự án này khiến cho PVL gặp vô vàn khó khăn.

Trước tình thế trên, năm 2011 PVL đã hạ giá bán căn hộ dự án này từ 23,8 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu đồng/m2 để thu hồi vốn, tuy nhiên, cũng không mấy khá quan khi dự án không được thi công hoàn thiện.

Bên cạnh đó, tháng 12/2012 dự án Petrovietnam Green House cũng được PVL đem đấu giá giá khởi điểm đưa ra là 51 tỷ đồng (chưa bao gồm 5,4 tỷ đồng tiền đã thu của 28 khách hàng) và bước giá 1 tỷ đồng. Số lượng tổ chức, cá nhân tham gia đầu thầu từ 2 trở lên. Theo PVL, công ty đã đầu tư 162,34 tỷ đồng vào dự án, nếu bán thành công với giá khởi điểm đưa ra, dự kiến công ty lỗ khoảng 112,34 tỷ đồng.

Tệ hại hơn, PVL cũng phải bán 2 xe ô tô là tài sản của công ty hòng vớt vát “sự sống”. Thế nhưng, niềm hy vọng duy nhất của PVL là ở khả năng bán được dự án Petrovietnam Green House để thu hồi vốn đến nay vẫn chưa tìm được người mua.

Được biết, nếu PVL bán được dự án trên, đơn vị này sẽ có tiền trả các khoản nợ hiện hữu (lớn nhất là khoản nợ một ngân hàng, trên 20 tỷ đồng), trả nợ lương nhân viên, đồng thời trang trải các chi phí tối thiểu để bắt đầu hoạt động trở lại.

Trong bối cảnh uy tín của PVL đang tệ hại hơn bao giờ hết, khách hàng dường như đã mất hết niềm tin, các đối tác cũng vì thế mà cảm thấy “e ngại” PVL. Đó dường như là lý do vì sao dù muốn thoát khỏi BĐS, đơn vị này cũng không thể. Trong khi đó, các “khối u ác tính” đang ngày hút kiệt nguồn tài chính của công ty. PVL đang đứng trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Thu Thủy

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339