Ba ngân hàng lớn chưa duy trì đủ tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra đối với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Theo đó, cơ quan này kết luận các tổ chức tín dụng Nhà nước chưa nghiêm túc trong việc duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa làm tốt trách nhiệm giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện quy định này, không có biện pháp kiên quyết nhắc nhở các đơn vị vi phạm.

Cơ quan thanh tra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công Thương (VietinBank); yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách.

Một loạt các công ty tài chính cũng bị kiểm điểm trách nhiệm và xử lý vì không chấp hành duy trì số dư tiền gửi, như Tài chính Cao su, Tài chính Công nghiệp tàu thủy, Tài chính Than Khoáng sản, Tài chính Bưu điện, Tài chính Handico, Tài chính Sông Đà, Tài chính Xi măng, Tài chính Điện lực, Tài chính Hóa Chất.

ngan-hang-chinh-sach-9570-1423975965.jpg

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm tại Ngân hàng Chính sách.

“Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện quy định duy trì số dư tiền gửi. Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có biện pháp kiên quyết nhắc nhở các tổ chức tín dụng có vi phạm quy định về duy trì số dư tiền gửi tại ngân hàng”, kết luận Thanh tra nêu.

Theo quy định hiện hành, hằng năm, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, bao gồm 5 “ông lớn” là Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank và MHB phải duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phát biểu tại cuộc họp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa hồi tháng 9/2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết yêu cầu này nhằm đảm bảo nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách, bởi đơn vị này khó có thể “cạnh tranh” huy động với các nhà băng khác, nhất là về lãi suất. Thống đốc nhấn mạnh, nếu các nhà băng không thực hiện đúng yêu cầu duy trì số dư tiền gửi 2% sẽ thay ngay vị trí lãnh đạo ngân hàng đó.

Ngoài ra, văn bản của cơ quan thanh tra kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp xử lý nguồn vốn 9.000 tỷ đồng Ngân hàng Chính sách vay từ dự trữ ngoại hối của Nhà nước và 3.000 tỷ đồng vay từ tái cấp vốn để cho vay học sinh, sinh viên.

Qúa trình kiểm tra cho thấy việc cho vay hộ nghèo và cận nghèo tại một số chi nhánh Ngân hàng Chính sách thực hiện chưa chặt chẽ. Ngân hàng cho vay giải quyết việc làm còn tồn tại khuyết điểm, thiếu kiểm tra sau cho vay dẫn đến tại nhiều dự án vay vốn không đạt được mục đích “giải quyết việc làm”, số lao động tăng thêm không tương xứng với số tiền cho vay. Việc kiểm tra trước khi cho vay đối với một số hồ sơ cho vay xuất khẩu lao động chưa chặt chẽ. Cho vay, thẩm định cho vay với hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn sai phạm.

Ngân hàng cũng chưa chấp hành đầy đủ các quy định về phân loại nợ, đầu tư xây dựng các dự án cũng không đúng thủ tục hiện hành. Do đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu thu hồi hơn 1,6 tỷ đồng từ các nhà thầu, nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra.

Ban điều hành của Ngân hàng Chính sách phải rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, khắc phục những sai sót; tiến hành kiểm điểm trách nhiệm với giám đốc, cán bộ trực tiếp liên quan đến các hồ sơ cho vay, hồ sơ xử lý rủi ro không đủ điều kiện và có hình thức xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm.

Huyền Thư

Để lại một bình luận

0913.756.339