Gần 70% số công nhân lao động (CNLĐ) cho rằng, nhà trọ chất lượng thấp, chật, không đảm bảo vệ sinh; 74,5% cho rằng họ phải ở trong các căn phòng không đảm bảo an ninh, an toàn. Để giải quyết vấn đề này, ngày 20.11.2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 188/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có nhà cho CNLĐ thuê, mua. Tuy nhiên, hơn một năm qua, vấn đề nhà ở cho CNLĐ vẫn giẫm chân tại chỗ, thậm chí còn lâm vào tình trạng bi đát hơn, bởi các KCN vẫn phát triển, số lượng NLĐ vẫn tiếp tục tăng…
Một khu trọ được cho là khá khang trang nhưng vẫn tối tăm và không đảm bảo về an toàn cháy, nổ.
Bài 1 – Cuộc sống tạm bợ
Có thể nói, bức xúc nhất của CNLĐ hiện nay là chuyện chỗ ở. Hơn 90% số NLĐ phải ở thuê nhà trọ, đồng nghĩa với việc hàng triệu NLĐ, sau những giờ làm mệt mỏi, căng thẳng lại phải trở về những căn phòng chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu không khí, không đảm bảo an toàn, vệ sinh, nóng bức và nhất là thiếu nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu…
Khó có thể gọi là sống
Vợ chồng Trần Văn N thuê một căn phòng chừng 6-7m2 ở thôn Liêu Trung (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) với giá 500.000 đồng/tháng. Đồ đạc trong nhà hầu như không có gì ngoài chiếc giường và quần áo treo khắp nơi, để cả ở trong chậu dưới gầm giường. Việc tắm, giặt và vệ sinh của tất cả những người sống trong 21 căn phòng thuê của nhà chủ ấy đều dùng chung một chỗ. “Hai vợ chồng thường làm trái ca với nhau nên cũng ít khi nấu nướng ở nhà, vì thế chả cần có bếp. Đi làm về là “lăn quay” ra ngủ, cũng chả cần đến tivi hay sách, báo…” – N hồn nhiên chia sẻ. Hoàng Thị L (19 tuổi), vừa chân ướt, chân ráo đến làm việc tại Cty YOUNGBOVINA (Bắc Ninh) may mắn hơn một chút vì cô thuê được phòng trọ khá khang trang, sáng sủa, có vệ sinh riêng tại xã Nam Sơn. Tuy nhiên, phòng trọ cũng không được trang bị đồ dùng gì ngoài chiếc giường nằm. Đổi lại, mỗi tháng, cô phải bỏ ra 600.000 đồng trong tiền thu nhập ít ỏi 3,5 triệu đồng để trả tiền thuê phòng. Ấy là chưa kể tiền điện, nước giá cao (3.000đ/kWh điện và 6.000đ/m3 nước).
Xã Tân Tiến (An Dương, Hải Phòng) có một khu dự án nhà ở kinh doanh, nhưng do thị trường bất động sản đang tê liệt, chủ nhân của các lô đất đã nhạy bén chuyển sang xây nhà trọ cho NLĐ thuê. Nhìn bề ngoài, đó là những khu nhà được “quy hoạch” thẳng thớm, đều tăm tắp nên có cảm giác khá là khang trang. Nhưng khi bước qua một cái cổng sắt chung, là hai dãy phòng chật chội, tối tăm, cách nhau chừng trên dưới 1m. Trong căn phòng khoảng chục mét vuông, là nơi hai vợ chồng Nguyễn Thị T thuê – có lẽ với mục đích chính là để ngủ, nghỉ sau mỗi ca làm việc – và cũng không có gì khác ngoài cái giường và chiếc xe máy. Mặc dù ở ngay đầu dãy, nhưng nếu không bật đèn, trong nhà vẫn tối đen như hũ nút…
Bên trong một phòng trọ. Ảnh: VN
Nghịch lý thiếu – thừa
Trong khi 90% số NLĐ phải ở trong các căn phòng đi thuê với các điều kiện sinh hoạt tối giản kể trên, một số DN cũng đã xây được nhà cho NLĐ ở. Song nếu lấp đầy các khu ấy cũng chỉ đáp ứng được từ 7-10% nhu cầu của NLĐ. Tuy nhiên, có một nghịch lý là tại các khu do DN xây này vẫn còn khá nhiều phòng bỏ trống. Mặc dù điều kiện sinh hoạt dễ chịu hơn, văn minh hơn, giá thuê rẻ hơn… thậm chí có nơi NLĐ không phải trả tiền, nhưng nhiều người vẫn không thích ở. Nguyên nhân là vì ở đó, họ không được tự do đi, về; không được tiếp khách và có nơi còn không được nấu ăn trong phòng… Đó là chưa kể đến việc có khi dăm bảy người ở chung một phòng, lại làm việc theo ca khác nhau nên không tránh khỏi ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhau. Hơn nữa, phần lớn các khu nhà ấy chỉ được thiết kế cho hộ độc thân. Vì thế, nếu xây dựng gia đình, có con, NLĐ đương nhiên phải tìm chỗ khác để ở với giá thuê không hề nhỏ so với đồng lương ít ỏi của mình.
Và như thế, cái vòng luẩn quẩn: Nghèo túng – lao động vất vả – chất lượng cuộc sống thấp – năng suất lao động kém – nghèo túng… cứ mãi theo đuổi NLĐ từ một lý do tưởng chừng như chả liên quan, đó là chỗ ở.
Trương Hoàng (Lao Động)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.