Giá dầu giảm, nợ tăng cao sẽ đẩy châu Á vào giảm phát

Theo nhà băng này, vài năm gần đây, nợ công tăng nhanh đã khiến các ngân hàng trung ương châu Á siết chặt chính sách nới lỏng tiền tệ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực đầu tư tư nhân vốn cần được chú trọng để hỗ trợ tăng trưởng.

Tỷ lệ nợ trên GDP của châu Á (trừ Nhật Bản) đã tăng từ 147% năm 2007 lên 203% năm 2013, trong đó, chủ yếu là nợ doanh nghiệp, theo báo cáo ra đầu tuần này của Morgan Stanley. Tại 7 trên 10 quốc gia gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc, nợ trên GDP đã gần hoặc vượt 200%.

Nguy cơ giảm phát đang lan từ châu Âu sang châu Á do giá dầu hạ, làm giảm triển vọng tăng trưởng tại các công ty, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và đe doa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Các nước châu Á có thể làm theo cách của người Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Khi đó, Mỹ đã giữ lãi suất thực ở mức thấp để khuyến khích đầu tư tư nhân và tăng trưởng GDP.

japan-9057-1421310721.jpg

Nhật Bản vẫn đang vật lộn với mục tiêu lạm phát 2%. Ảnh: Bloomberg

“Khi lãi suất thực ở mức cao, chỉ có khu vực kinh tế công và các công ty có liên quan tới Chính phủ mới sử dụng đòn bẩy tài chính”, các nhà kinh tế học tại Morgan Stanley nhận định trong báo cáo trên. Mối quan ngại chính của việc giữ lãi suất thực cao là khu vực tư nhân sẽ do dự trong việc đầu tư, gây ảnh hưởng tới phục hồi sản xuất.

Các nhà hoạch định sách châu Á đang tìm cách cân bằng giữa việc hỗ trợ nhu cầu trong nước và kiềm chế nợ công, bong bóng tài sản. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc vừa giảm lãi suất cho vay, vừa đồng thời hạn chế nới lỏng quy mô lớn nhằm tránh làm trầm trọng thêm tình hình nợ xấu.

Tháng trước, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines đều giữ nguyên lãi suất cơ bản. Cùng lúc đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2015.

Giá dầu xuống mức thấp nhất hơn 5 năm đang khiến các quốc gia xuất khẩu dầu thô như Malaysia bị ảnh hưởng, nhưng lại có lợi cho các nước khác như Philippines và Indonesia. Ngày 13/1, ringgit Malaysia xuống đáy 5 năm so với USD, Bloomberg cho biết. Trong khi đó, tuần trước, Philippines – nước phải nhập khẩu phần lớn lượng dầu tiêu dùng, đã bán được 2 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 25 năm với mức lãi suất thấp kỷ lục.

Nhờ giá dầu rẻ, trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng tại Singapore đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009. Trong khi đó, lạm phát tại Thái Lan hiện ở mức thấp nhất hơn 5 năm qua. Theo Morgan Stanley, các nước châu Á cuối cùng rồi sẽ giảm lãi suất thực, nhưng vấn đề là liệu có giảm đủ mạnh và kịp thời để chống áp lực giảm phát hay không.

Hôm qua (14/1), Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015. Mỹ hiện là điểm sáng duy nhất của kinh tế thế giới.

Để xoa dịu những lo lắng về đòn bẩy tài chính, Trung Quốc có thể thắt chặt các quy định về ghi nhận nợ xấu. Dù điều này có thể làm giảm tăng trưởng tín dụng và GDP, nó sẽ hạ thấp các nguy cơ và dọn đường cho chính sách nới nỏng tài khóa, tiền tệ mạnh tay sau này, theo Morgan Stanley.

Tại Hàn Quốc và Thái Lan, các nhà hoạch định chính sách có thể thắt chặt quy định với hộ gia đình để ngăn chặn tình trạng vay nợ quá mức, đồng thời sẽ giảm lãi suất để khuyến khích người vay có hồ sơ tín dụng tốt, Morgan Stanley nhận định. “Dù cải cách cấu trúc là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng, đưa ra mức lãi suất thực phù hợp thậm chí còn quan trọng hơn”, nhóm phân tích nhận xét. Vì nó sẽ tạo ra một môi trường làm nảy sinh “chu kỳ tăng trưởng mới bền vững và hiệu quả”.

Thanh Tuyền

Để lại một bình luận

0913.756.339