Lượng kiều hối chuyển về nước qua các năm – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết lượng kiều hối chuyển về qua các các ngân hàng, công ty trên địa bàn TP.HCM trong năm 2014 ước đạt 5 – 5,1 tỉ USD, tăng 200 – 300 triệu USD so với năm 2013, đạt mức kế hoạch đề ra từ đầu năm. TP.HCM có tỷ trọng kiều hối chiếm 40 – 45% tổng lượng kiều hối cả nước. Kết quả của chính sách tốt
Việc kiều hối chuyển về nước tăng đều qua các năm, theo ông Minh, là kết quả của chính sách kinh tế vĩ mô VN tốt hơn. Chẳng hạn, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế tốt, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng khá mạnh. Người nhận kiều hối được tạo nhiều điều kiện tốt như số lượng các đơn vị chi trả kiều hối tăng cao với 23 công ty, 47 ngân hàng, người nhận kiều hối được giao tiền tận nhà, có thể nhận bằng tiền đồng hay ngoại tệ tùy chọn, không phải đóng thuế…
Theo Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Phan Huy Khang, đến nay lượng kiều hối chuyển qua hệ thống Sacombank đạt 2 tỉ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2013. Kiều hối gửi về từ Mỹ, Đài Loan, Úc… tăng đều và hiện có thêm kiều hối từ thị trường Trung Đông.
Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty kiều hối Ngân hàng Đông Á, cũng cho biết dù tình hình kinh tế ở những nước có đông kiều bào sinh sống vẫn còn khó khăn, nhưng lượng kiều hối chuyển về vẫn có những chuyển biến tích cực, tăng hơn 10% so với năm 2013.
Bất động sản sẽ hút
Con số 12 tỉ USD kiều hối năm 2014 của cả nước được đánh giá là cao kỷ lục từ trước đến nay. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, lượng kiều hối tăng đều qua các năm và có sự dịch chuyển qua lại giữa các kênh đầu tư. Năm 2014, lượng kiều hối đổ về trên địa bàn TP.HCM chủ yếu chảy vào sản xuất, kinh doanh với 71,4% (năm 2013 là 70,2%); bất động sản (BĐS) khoảng 22,1% (năm 2013 là 20%); còn lại là hỗ trợ sinh hoạt của gia đình. Dự báo năm 2015, kiều hối sẽ tiếp tục tăng khoảng 10% so với năm 2014. Đặc biệt, chính sách mới cho phép người nước ngoài mua nhà sẽ thu hút thêm dòng kiều hối vào BĐS. Ông Phan Huy Khang cũng dự báo: “Tôi cho rằng với chính sách cởi mở cho phép người nước ngoài mua nhà, nếu các điều kiện thủ tục đi theo đó thông thoáng thì chắc chắn lượng kiều hối chuyển về vào BĐS sẽ gia tăng”.
Ông Trần Văn Trung nhận xét, tác động của chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà đến lượng kiều hối “sẽ từ từ chứ không giúp tăng cao lập tức”. Lý do là tuy chính sách đã cho phép người nước ngoài mua nhà ở VN nhưng còn rất nhiều điều kiện phức tạp nên người nước ngoài vẫn còn tâm lý e dè khi quyết định mua BĐS tại VN. Theo ông Trung, năm 2014, vì thị trường BĐS và thị trường chứng khoán (TTCK) chưa khả quan nên dòng kiều hối chủ yếu chảy về khu vực sản xuất kinh doanh. Năm 2015, kiều hối sẽ tiếp tục tăng trưởng từ nguồn xuất khẩu lao động chuyển về. Hai kênh BĐS và TTCK vẫn là lựa chọn đầu tiên của những người nắm giữ kiều hối muốn đầu tư sinh lời, bởi hai kênh này đang dần lấy lại đà tăng trưởng và có ưu thế hơn.
Tuy nhiên, với BĐS thì cần có lượng kiều hối lớn, thời gian dài nên chỉ thích hợp với người đầu tư dài hạn. Còn với TTCK, khả năng sinh lợi có thể hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm nhưng đầu tư vào kênh này sẽ phải chấp nhận rủi ro.
Tôi cho rằng với chính sách cởi mở cho phép người nước ngoài mua nhà, nếu các điều kiện thủ tục đi theo đó thông thoáng thì chắc chắn lượng kiều hối chuyển về vào BĐS sẽ gia tăng Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank Từ đầu năm 2014, các công ty, ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực kiều hối đặt kế hoạch thu hút kiều hối năm 2014 tăng trung bình khoảng 10 – 20% so với năm 2013. Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) dự báo kiều hối năm 2014 đạt khoảng 12 tỉ USD. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cũng vừa đưa ra dự báo kiều hối năm 2014 đổ về VN duy trì ở mức 11 – 12 tỉ USD. Theo Báo cáo di cư và phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 4.2014, VN xếp thứ 9 trong danh sách 10 nước thu hút kiều hối lớn năm 2013 với 11 tỉ USD. WB nhận định kiều hối ở các nước đang phát triển năm 2014 sẽ tăng 7,8% so với năm 2013. |
Thanh Xuân (Thanh Niên)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.