Putin sẽ đau đầu vì lạm phát năm tới

Lạm phát đang là vấn đề rất quan trọng với nước này. Trong một cuộc khảo sát gần đây của hãng nghiên cứu Levada (Nga), phần lớn người Nga cho rằng giá cả tăng vọt là điều duy nhất khiến họ cảm thấy áp lực.

Ngân hàng trung ương Nga (CBR) chưa bao giờ đưa được lạm phát về 2% – mức được coi là bình thường với các nước phát triển. Tuy nhiên, cho đến trước khi khủng hoảng đồng rouble diễn ra, Chính phủ Nga vẫn làm rất tốt việc hạn chế ảnh hưởng của giá cả tăng lên người tiêu dùng. Rõ ràng lạm phát tại Nga cao hơn nhiều Tây Âu, nhưng nếu so sánh với tiền sử siêu lạm phát tại đây, CBR giữ được tốc độ tăng giá 6% mỗi năm đã là điều kỳ diệu.

russia-price-4671-1419570457.jpg

Giá cả đang là việc người dân Nga lo lắng nhất. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, lạm phát chẳng phải loại mục tiêu tĩnh, có thể giải quyết nhanh chóng và đặt sang một bên. Đây là vấn đề phức tạp, thay đổi tùy theo tình hình kinh tế và các chính sách của Chính phủ. Bạn cũng chẳng cần phải có bằng tiến sĩ kinh tế mới hiểu được các chính sách hiện tại của Nga, nhất là quyết định cấm nhập khẩu thực phẩm Tây Âu, có tác động như thế nào. Rõ ràng nếu số lượng một mặt hàng nào đó bị hạn chế, giá của chúng sẽ tăng vọt.

Lạm phát do đó còn tăng tốc trước cả khi khủng hoảng đồng rouble diễn ra. Theo số liệu Cơ quan Thống kê Liên bang Nga công bố hôm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này đã tăng 10,4% năm nay, lần đầu vượt 10% trong 5 năm qua.

Chính phủ Nga cũng thừa nhận giá có thể tăng mạnh hơn nữa trong năm 2015, trong khi nền kinh tế được dự đoán co lại 2-5%. Và đó mới chỉ là dự đoán mang tính lạc quan. Vì có thể lạm phát tại Nga sẽ lên 15-20% năm tới và là đòn giáng mạnh lên sức mua của người dân nước này.

Đa phần người Nga không đổ lỗi cho Putin. Họ cho rằng phương Tây mới là bên phải chịu trách nhiệm cho việc này. Khảo sát của Levada chỉ ra một phần ba số người được hỏi cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây phần nào gây ra các vấn đề hiện tại. Dù tỷ lệ này ít hơn so với 45% đổ lỗi cho giá dầu giảm, nó cũng vẫn tương đối lớn.

Trong dài hạn, rủi ro Tổng thống Putin mất kiểm soát lạm phát sẽ ngày càng lớn. Vấn đề trong ngắn hạn có thể đổ lỗi cho phương Tây, cho thị trường dầu, hoặc cả hai. Nhưng trong dài hạn, nếu lạm phát lên tới 15-20%, người Nga sẽ quay ra chỉ trích điện Kremlin.

Ông Putin sẽ chẳng thể vin vào phép màu nào để dời sự chú ý của người Nga khỏi vấn đề họ cho là quan trọng nhất. Một là lạm phát phải đi xuống và người Nga vui vẻ, hai là giá cả vẫn cao và họ sẽ nổi giận.

Vấn đề rất đơn giản. Trước đây, Chính phủ Nga đã làm rất tốt việc kiềm chế lạm phát. Và vì người Nga luôn lo lắng về giá cả, ông Putin đã nhận được kha khá thiện cảm nhờ việc này. Nhưng nay họ không còn làm tốt như trước nữa, và Tổng thống sẽ phải trả giá cho việc đó.

Để cứu đồng rouble, Nga đã không tiếc tay dùng dự trữ để can thiệp vào thị trường ngoại hối. Kết quả là, theo công bố hôm qua của ngân hàng trung ương, dự trữ quốc tế của Nga đã giảm 15,7 tỷ USD tuần 13-19/12, xuống 389,9 tỷ USD. Mức giảm này gấp cả chục lần so với 1,6 tỷ USD tuần ngay trước đó (5-12/12). Đây cũng là lần đầu tiên từ tháng 8/2009, dự trữ quốc tế của Nga xuống dưới 400 tỷ USD.

Forbes kết luận lạm phát chỉ có thể được kiểm soát thông qua các chính sách hiệu quả. Và sớm hay muộn, Điện Kremlin sẽ phải nhớ điều đó.

Hà Thu

Để lại một bình luận

0913.756.339