Cụ thể, Bộ Công Thương được yêu cầu theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước. Tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng, có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng tốt.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, các thủ đoạn gian lận do đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật, kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc được trợ giá, hàng hóa, dịch vụ công ích, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ mức giá, các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá mặt hàng vào các thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết; chủ động kiểm tra giá cước vận tải phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu nhằm hạn chế tình trạng neo giá bất hợp lý.
Liên quan đến vấn đề đi lại của người dân, Chỉ thị này Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải có biện pháp tổ chức vận chuyển, không để hành khách không kịp về quê đón tết do thiếu phương tiện, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo; có biện pháp khắc phục tình trạng ùn tắc tại các vị trí giao thông trọng điểm, thành phố lớn; cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Cơ quan này cũng được lưu ý phải xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tầu, vé xe và đảm bảo vé tầu, vé xe đến đúng đối tượng có nhu cầu đi lại trong dịp Tết; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tầu, vé xe theo quy định.
Để đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế trước và sau Tết, Thủ tướng chỉ thị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng dư nợ tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt; đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt của hệ thống máy rút tiền ATM và các biện pháp trả lương kịp thời vào dịp Tết.
Cùng với đó, hệ thống ngân hàng được yêu cầu giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng; tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Chí Hiếu