Tại hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco cho rằng, khó khăn của nhà đầu tư là khi triển khai các dự án BOT có thời hạn thu phí trên 20 năm, song ngân hàng chỉ cho vay dự án có thời gian thu phí dưới 15 năm. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ nhà đầu tư.
Ngoài ra, với một số dự án triển khai trong 7-10 năm đầu thì mức thu phí không đủ để trả lãi vay, khấu hao… Trong khi đó, ngân hàng lại yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh chủ sở hữu nguồn vốn từ 30-50 % vốn, trong khi quy định chỉ yêu cầu chứng minh 10-15% vốn. Ngoài ra, thời gian đầu, doanh nghiệp chưa thể trả cổ tức cho các cổ đông nên càng khó huy động vốn.
“Đề nghị ngân hàng cho vay vốn trên 20 năm, hoặc Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thời gian thu phí để giảm khó khăn lúc đầu cho nhà đầu tư”, ông Phạm Quang Dũng kiến nghị.
Mức độ phát triển hạ tầng của Việt Nam đứng thứ 74/138 nước trên thế giới. Ảnh minh họa: Đoàn Loan |
“Nhà đầu tư dễ gặp rủi ro khi đầu tư theo hình thức BOT”, ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty công trình giao thông 1 (Cienco1), nói. Ông đơn cử đường tránh Thanh Hoá, việc đặt trạm thu phí BOT tại cầu Tào Xuyên đã được địa phương đồng ý. Tuy nhiên sau đó, các doanh nghiệp vận tải và người dân lại phản đối không đi vào đường BOT, nên lưu lượng phương tiện giảm sút so với dự báo.
Ông Dũng cũng bày tỏ lo ngại khi các dự án mới khiến số tiền thu phí trên đường đã xây dựng bị sụt giảm, như cầu Việt Trì đầu tư theo hình thức BOT, song sắp tới lại có một cây cầu nữa được xây dựng gần đó, nghĩa là phương tiện đi cầu Việt Trì sẽ giảm sút.
“Khi thực hiện dự án, chúng tôi dựa trên các tính toán có tính đến khả năng thu phí trong 20 – 25 năm. Nhưng chưa hết hợp đồng thì Nhà nước lại đồng ý cho xây đường mới khiến lưu lượng trên đường cũ sụt giảm”, ông Dũng nói.
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả, cho biết, doanh nghiệp rất lúng túng khi vay vốn ngân hàng, phải mất 3 năm chuẩn bị mới vay vốn cho dự án Đèo Cả. Do vậy, cần có sự tham gia của Bộ Giao thông và Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp làm việc với các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Bộ Giao thông cần công bố bảng xếp hạng doanh nghiệp đầu tư để làm nền tảng tham gia đấu thầu và chỉ định dự án.
Góp ý cho cơ quan quản lý Nhà nước, bà Nguyễn Mai Bảo Trân, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM, cho rằng, Thông tư 166 quy định khi xem xét vốn góp chủ đầu tư, phải xem xét vốn điều lệ, trừ các phần góp đã cam kết. Đây là rào cản bởi vốn đầu tư doanh nghiệp không chỉ vốn điều lệ, mà còn là vốn trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi theo Thông tư 166 thì trái phiếu chuyển đổi không được coi là vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, giá vé thu phí BOT không được tăng theo lộ trình nên ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ của dự án, dẫn đến nợ xấu.
Về phía ngân hàng, Bà Bùi Như Ý, Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, khó khăn với dự án PPP (hợp tác công tư) là tổng mức đầu tư các dự án này rất lớn, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài 15-20 năm, trong khi nhiều chủ đầu tư lẫn nhà thầu hạn chế về tài chính, khả năng quản lý, điều hành, thiếu máy móc thiết bị… nên nhiều hạng mục không đảm bảo tiến độ, thất thu từ thu phí cũng ảnh hưởng nguồn trả nợ.
“Nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong khi các dự án có thời gian hoàn vốn dài. Hình thức PPP cần khai thác đa dạng các nguồn vốn, từ người dân, ngân sách, tranh thủ ODA”, bà Bùi Như Ý nói.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng bày tỏ ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp để có các cơ chế chính sách phù hợp. Theo Bộ trưởng, năm 2014, mức độ phát triển hạ tầng của Việt Nam đứng thứ 74/138 nước trên thế giới, tăng 16 bậc so 2012. Mặc dù vậy, phát triển hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần đẩy mạnh hợn nữa để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai xã hội hóa từng lĩnh vực vận tải để thu hút đầu tư hạ tầng phát triển nhanh hơn nữa, giảm chi phí vận tải. Bởi hiện nay chi phí logistic tại Việt Nam rất cao, trong đó chi phí vận tải gấp 3 lần thế giới nên không thể nâng cao cạnh tranh quốc gia.
Thừa nhận việc thực hiện các dự án PPP vẫn còn một số khó khăn, Bộ trưởng Giao thông cho rằng, các dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Người dân bỏ phí đi trên đường thì không thể đi đường bị hằn lún. Do vậy, các dự án phải đảm bảo công khai minh bạch để người dân giám sát.
Ngoài ra, khi triển khai dự án vượt tiến độ thì chủ đầu tư được thu phí ngay, song nếu chậm tiến độ thì trừ vào thời gian hoạt động. Đó là nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.
PPP là dự án hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tư nhân trong xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng, bao gồm các hình thức đầu tư như BOT, BT… Theo ông Nguyễn Danh Huy – Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải), năm 2014, ngành giao thông đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông. Thời gian thu hút vốn nhiều nhất và tăng đột biến trong khoảng thời gian từ 2012 – 2014. |
Đoàn Loan