Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 sáng nay (5/12), ông Pierre Amilhat – Cục trưởng Cục châu Á, Trung Á, Trung Đông/Vùng Vịnh và Thái Bình Dương của Tổng cục Hợp tác Phát triển EU cho biết dù khối này vừa phải qua nhiều khó khăn, nhiều nước phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng Việt Nam vẫn là đối tác được ưu tiên.
“Chúng tôi cam kết luôn hỗ trợ Việt Nam”, ông nói. Trước đó, EU đã công bố viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 400 triệu euro trong 7 năm tới để làm đòn bẩy cho kinh tế phát triển.
Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), đối tác viện trợ đa phương lớn nhất cho Việt Nam cũng khẳng định sẽ huy động đầy đủ các nguồn lực cho quá trình phát triển của Việt Nam. “Các đối tác phát triển luôn sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam”, bà nhấn mạnh.
Năm 2015 Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát ở 5%, tăng trưởng GDP là 6,2%
Báo cáo trước các đối tác phát triển về tình hình kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song năm qua Việt Nam đã đạt được hầu hết các mục tiêu do Quốc hội đề ra. Lạm phát được kiểm soát ở 3%, trưởng trưởng GDP đạt 5,9%, bội chi ngân sách ở mức 5,3% GDP, tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 150 tỷ USD, gấp 3 lần so với khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ba năm liền giữ được xuất siêu.
Sang năm 2015, người đứng đầu Chính phủ thông tin sẽ chủ động kiểm soát lạm phát ở 5%, tăng trưởng kinh tế 6,2%. Bội chi ngân sách giảm từ 5,3% GDP xuống 5% GDP, nợ công đảm bảo trong giới hạn an toàn. Tiếp tục tăng dự trữ ngoại tệ và luôn đảm bảo trên 12 tuần nhập khẩu, giữ ổn định tỷ giá.
“Chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu ban đầu của quá trình hồi phục tăng trưởng trong nhiều ngành kinh tế của Việt Nam”, đại diện Ngân hàng Thế giới nhận xét.
Tuy nhiên, theo bà Victoria Kwakwa, kinh tế vĩ mô dù đã ổn định trong 3 năm qua nhưng kết quả vẫn còn chưa chắc chắn. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình cải cách, với nhu cầu cấp thiết là cải cách thể chế. Dẫn ví dụ từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) – 2 nền kinh tế không ngừng cải thiện thể chế khi thu nhập GDP trên đầu người đã tăng lên, bà cho rằng cải cách khi Việt Nam đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình là đúng đắn và kịp thời.
Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và mới đẩy đã sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng như Luật phá sản, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư… Song, đại diện WB nhận định Chính phủ cần theo dõi sát sao để việc thực hiện được đồng bộ. “Phép trắc nghiệm của Chính phủ đối với lịch trình này sẽ là sự thực hiện hiệu quả và minh bạch các chính sách đó”, bà Kwakwa phản ánh.
Bên cạnh đó, WB cũng khuyến nghị Việt Nam cần khuyến khích khu vực tư nhân phát triển hơn, khi khối này đã phải vật lộn với bao khó khăn thử thách trong vài năm qua. Song hành với đó, cải cách doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục là vấn đề quan trọng, tập trung vào cổ phần hóa, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp, tăng tính công khai minh bạch…
Kế hoạch giải quyết nợ xấu cũng cần được công bố rõ ràng hơn. Theo WB, các nỗ lực gần đây nhằm tăng cường khung pháp lý cho hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là rất quan trọng, nhưng Việt Nam vẫn phải trả lời câu hỏi cơ bản là lấy vốn ở đâu để giải quyết nợ xấu. Nếu không có giải pháp đáng tin cậy thì các ngân hàng sẽ ngần ngại khi cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ.
Trước vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp đến hết năm 2015 và giảm tỷ trọng vốn Nhà nước trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Tập trung tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3% vào cuối năm 2015.
Diễn đàn VDPF 2014 với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” diễn ra hôm nay sẽ tập trung vào vấn đề cải cách thể chế kinh tế thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển khu vực tư nhân để hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững và tự chủ.
Phương Linh (VnExpress)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.