6 tháng, tiểu thương bị “ép” chuyển chợ 2 lần

Chợ phiên phục vụ du khách nằm bên bờ vịnh Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh cho tồn tại từ năm 1999. Lấy lý do trả lại tầm nhìn cho vịnh Hạ Long – Di sản thế giới, tỉnh Quảng Ninh quyết định chuyển chợ phiên sang địa điểm mới. Tuy nhiên, việc chính quyền địa phương trong 6 tháng “ép” 300 tiểu thương di dời đến 2 nơi khiến họ bức xúc.

Chợ đêm Bãi Cháy. Ảnh: VHDN

Cấp đăng ký nhưng vẫn nói trái luật

Năm 1999, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép Công ty Du lịch Thanh Niên trực thuộc Tỉnh đoàn Quảng Ninh cải tạo, nâng cấp khu vực bãi tắm B – khu trại hè nằm bên bờ vịnh Hạ Long để xây dựng chợ phiên phục vụ du khách. Hơn 300 gian hàng lưu niệm, mỹ phẩm, sản vật cùng các tour du lịch của Quảng Ninh được bày bán và quảng bá tại đây.

Cùng với đó, hơn 300 tiểu thương tại chợ phiên đã được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ bán hàng cho du khách, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh ký cam kết trong hoạt động thương mại, UBND TP Hạ Long cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, tháng 5-2014, với lý do trả lại cảnh quan cho vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ phiên phải di chuyển.

Ngày 16-6, tại cuộc đối thoại với tiểu thương chợ phiên, ông Đỗ Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thông báo phương án di chuyển chợ này về khu vực Bến xe Bãi Cháy cũ. Theo đó, chợ phiên sẽ trở thành chợ thường nhật và tồn tại đến ngày 31-12-2015 sau khi Công ty Du lịch Thanh Niên hoàn thiện hạng mục xây dựng tầng hầm tại khu vực chợ phiên cũ. Với kế hoạch này, tiểu thương hy vọng sau đó sẽ được chuyển về khu vực cũ kinh doanh.

Chính quyền địa phương cho rằng việc Công ty Du lịch Thanh Niên tiếp tục cho các hộ thuê mặt bằng để kinh doanh là trái với chủ trương của tỉnh, của pháp luật. Không đồng tình chủ trương này, 300 tiểu thương đã đưa ra một loạt dẫn chứng tính hợp pháp của chợ phiên, như các văn bản của UBND tỉnh, UBND TP Hạ Long cho phép chợ phiên hoạt động cũng như các quy chế quản lý chợ. Đặc biệt, thông báo số 120 ngày 28-7-2003 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng ký nêu rõ trong khi chưa thể di chuyển đến một địa điểm khác hợp lý, tạm thời vẫn duy trì chợ phiên tại khu vực khuôn viên do Công ty Du lịch Thanh Niên quản lý.

Trong khi một số tiểu thương vừa “chân ướt chân ráo” về điểm mới, tháng 11-2014, chính quyền địa phương lại thông báo phải di chuyển chợ phiên đến địa điểm khác là Trung tâm Thương mại (TTTM) Marine Plaza. Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà còn ra “tối hậu thư”: Đến ngày 31-12, hộ nào không di chuyển sẽ bị cưỡng chế.

Giải cứu doanh nghiệp?

Theo Chủ tịch UBND TP Hạ Long, chưa đầy 6 tháng, chính quyền 2 lần yêu cầu tiểu thương di chuyển chợ phiên từ bờ vịnh Hạ Long đến Bến xe Bãi Cháy cũ rồi chuyển sang TTTM Hạ Long Marine Plaza sớm hơn thời hạn tỉnh Quảng Ninh đặt ra là do khu đất Bến xe Bãi Cháy cũ trước đây được quy hoạch làm khách sạn, chủ đầu tư chưa triển khai, tỉnh mới đưa tiểu thương vào họp chợ tạm. Tỉnh vừa quyết định đưa tiểu thương vào họp chợ, nhà đầu tư lại thông báo triển khai nên phải di chuyển họ đến TTTM Hạ Long Marine Plaza.

Tuy nhiên, lý giải của ông Hà đã không thuyết phục được tiểu thương bởi khu đất Bến xe Bãi Cháy được tỉnh quy hoạch xây dựng khách sạn từ năm 2004 nhưng chủ đầu tư đã bỏ hoang. Ngày 18-11-2013, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi khu đất này để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hạ Long quản lý. Như vậy, bằng quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư không thể “tái khởi động” dự án xây dựng khách sạn khi chưa có các quyết định giao, cho thuê lại khu đất này.

Tiểu thương Lê Thị Nga cho biết TTTM Hạ Long Marine Plaza hiện khá vắng. Nhiều tiểu thương đã chuyển đến nhưng hoạt động không hiệu quả nên đã rời khỏi đây. Bà Nga cho rằng việc “ép” tiểu thương vào TTTM là để giải cứu chủ đầu tư.

Nhiều tiểu thương quả quyết việc di chuyển chợ phiên không chỉ để trả lại tầm nhìn cho di sản thế giới mà còn nhằm thu hồi đất giao cho doanh nghiệp khác làm dự án.

Để lại một bình luận

0913.756.339