Chủ tịch Sacombank: ‘Ngân hàng điện tử giúp tiết kiệm 1/3 chi phí’

– Vừa nhận danh hiệu My Ebank – Ngân hàng điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về chương trình này?

– My Ebank 2014 là một sân chơi hết sức ý nghĩa, thể hiện tầm nhìn của Ban tổ chức trong việc truyền thông chính sách không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước đến mọi người dân và tận dụng được tất cả các kênh truyền thông của các ngân hàng tham gia cuộc bình chọn.

Chương trình này cũng góp phần giúp các cá nhân, tổ chức biết đến và tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử. Bên cạnh đó, qua cuộc thi, các nhà băng có thể biết được khách hàng của họ đang cần gì để hoàn thiện và gia tăng chất lượng dịch vụ.

MEB-05-2807-1416556509.jpg

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận danh hiệu My Ebank cho Chủ tịch Sacombank – Kiều Hữu Dũng.

Ông có thể tiết lộ chi phí đã bỏ ra để đầu tư cho hệ thống ngân hàng điện tử và doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động này mang về?

– Từ năm 2005 chúng tôi đã chính thức cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử đến khách hàng. Gần đây nhất là 2013, Sacombank đưa ra phiên bản ngân hàng điện tử hoàn toàn mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, cung cấp đa kênh giao dịch đến khách hàng với chi phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, nhà băng có chính sách ưu đãi so với mức phí giao dịch tại quầy cho khách hàng. Về phía Sacombank, ngân hàng điện tử cũng mang lại nhiều lợi ích khi chi phí cho một giao dịch trực tuyến chỉ bằng 1/3 so với giao dịch tại quầy, giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động.

Doanh thu mảng này cũng chiếm 15% doanh thu dịch vụ cá nhân. Tính đến nay, tăng trưởng dịch vụ Internet Banking trên 100% và tăng trưởng Mobile Banking 400% so với cùng kỳ 2013.

Trong quá trình đẩy mạnh phát triển các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking, theo ông các ngân hàng Việt Nam thường gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

– Thuận lợi là nước ta có tỷ lệ sử dụng Internet và điện thoại di động cao trong khu vực. Từ năm 2010 đến nay Việt Nam luôn nằm trong Top 20 quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất của thế giới. Tỷ lệ người sử dụng mạng máy tính và điện thoại thông minh lần lượt là 39% và 20%, trong đó tỷ lệ sử dụng smartphone để mua hàng và thanh toán là 60%. Điều này cho thấy xu hướng không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, việc thanh toán không dùng tiền mặt được sự ủng hộ và hỗ trợ lớn từ Chính phủ. Tính bảo mật và kỹ thuật nhằm ngăn ngừa rủi ro trên Internet Banking và Mobile Banking ngày càng cao. Giá cả thiết bị điện thoại di động, máy tính bảng rẻ hơn…

Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều rào cản trong quá trình phổ biến thói quen sử dụng ngân hàng điện tử. Người dân còn quen dùng tiền mặt, cộng thêm tâm lý e ngại khi giao dịch không có giấy tờ ký nhận, lo ngại thao tác sai. Song song đó, chất lượng hạ tầng về viễn thông chưa đồng đều cũng là yếu tố gây khó khăn cho việc phát triển ngân hàng điện tử.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay so với thế giới?

– Thanh toán không tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Bỉ, Pháp, Canada. Ở các nước này, giá trị chi tiêu không dùng tiền mặt của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày.

Còn ở Việt Nam, hiện có hơn 70% các đơn vị chi lương qua thẻ. Đây là một lợi thế để các ngân hàng đẩy mạnh thanh toán điện tử. Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng đã khá quen với thanh toán điện tử, đặc biệt là tại các thành phố lớn, nơi mà mạng lưới chấp nhận thanh toán điện tử đã phổ biến.

Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam còn khá thấp do một số hạn chế về hạ tầng thanh toán cũng như do thói quen tiêu dùng. Trong số 76 triệu thẻ ATM được phát hành, chỉ có khoảng 10% là sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Nguyên nhân bao gồm thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến; hệ thống chấp nhận thanh toán còn ít; lo ngại rủi ro khi sử dụng thẻ, nhất là thanh toán trên mạng; kiến thức về thẻ chưa được phổ cập rộng; chức năng thanh toán (chuyển khoản) trên ATM ít được sử dụng…

Để mảng dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh hơn và có thể góp phần mang về lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng, theo ông thời gian tới các nhà băng cần phải làm gì?

– Tôi cho rằng các tổ chức tín dụng cần phải có chính sách đưa ngân hàng điện tử đến gần người dân hơn thông qua việc tạo lòng tin cho người dân và cách phát triển dịch vụ theo hướng đơn giản, dễ sử dụng…

Trong tương lai gần, tôi tin những hạn chế trong quá trình phát triển ngân hàng điện tử sẽ sớm được khắc phục. Đến nay đã có nhiều dấu hiệu tích cực cho phép chúng ta lạc quan về sự phát triển mạnh của Internet Banking và Mobile Banking trong thời gian tới.

Hoài Thu

Để lại một bình luận

0913.756.339