Trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia, xếp hạng phát hành trái phiếu không đảm bảo bằng nội tệ và ngoại tệ cũng được đưa lên BB- từ B+. Trong khi đó, xếp hạng nhà phát hành ngoại tệ ngắn hạn được giữ nguyên ở B.
Fitch cho rằng Việt Nam đã có bước tiến trong ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt tiền tệ, khiến tăng trưởng tín dụng dự kiến giảm xuống 12% năm 2014, từ 32% năm 2010. Tăng trưởng GDP thực cũng vẫn tương đối mạnh khi đạt 5,6% trung bình 3 năm, cao hơn so với 3,7% của các nước đồng hạng. Lạm phát cũng được điều hòa xuống 3,2% tháng 10 năm nay, từ 6,6% trung bình năm ngoái. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao hơn các nước đồng hạng cũng góp phần vào triển vọng tăng trưởng.
Kinh tế vĩ mô ổn định đã phần nào đã giúp tài khoản vãng lai chuyển từ thâm hụt năm 2010 sang thặng dư 4,1% (dự kiến) năm nay. Việt Nam đang tiến tới 4 năm thặng dư tài khoản vãng lai liên tiếp, nhờ xuất khẩu và kiều hối tăng trưởng mạnh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đóng góp đáng kể vào cân bằng cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối. Nợ nước ngoài tương đương 14% GDP cũng ngang bằng các nước đồng hạng.
Tuy vậy, hãng cũng nhận xét Việt Nam còn nhiều rủi ro về nợ. Thâm hụt tài khóa thường xuyên và bội chi sẽ khiến nợ Chính phủ tăng lên 44% GDP năm nay. Các chính sách tài khóa gần đây, như giảm thuế doanh nghiệp, có thể khiến vấn đề nợ thêm trầm trọng. Cơ quan quản lý vẫn thiếu khung chính sách tài khóa trong trung hạn, dù giới chức đã đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách cho đến năm 2020 và đặt trần nợ trên GDP là 65%. Dù vậy, Việt Nam không chịu nhiều áp lực từ việc thanh toán nợ nước ngoài, do 94% khoản vay từ các quốc gia khác có bản chất là ưu đãi.
Vốn hóa các ngân hàng cũng được đánh giá còn mỏng. Các nhà băng Việt Nam công bố tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 4,2%. Trong khi con số này theo nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước là 9% và Fitch là 15%. Nếu kết quả của Fitch là chính xác, hãng ước tính các nhà băng còn thiếu hụt khoảng 10-32 tỷ USD.
“Quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước cũng chưa thuyết phục. Tổng nợ các doanh nghiệp này hiện ở mức cao, tương đương 42% GDP, nhưng các biện pháp cải tổ vẫn còn quá thận trọng”, Fitch nhận xét. Bên cạnh đó, thu nhập trung bình, kể cả điều chỉnh theo ngang giá sức mua (PPP), cũng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước đồng hạng.
Fitch tuyên bố có thể nâng tín nhiệm cho Việt Nam nếu Chính phủ vẫn kiềm chế được thâm hụt tài khóa, từ đó cải thiện triển vọng nợ công; tăng minh bạch về nợ xấu ngân hàng và nợ doanh nghiệp nhà nước; đồng thời đẩy nhanh cải tổ hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, nếu Việt Nam thay đổi nhóm chính sách bình ổn vĩ mô hiện tại, xếp hạng có thể bị hạ bậc.
Động thái của Fitch diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ, dự kiến khoảng một tỷ USD. Roadshow giới thiệu sự kiện này với nhà đầu tư thế giới đã khởi động ngày 29/10 tại Singapore, và sẽ được tổ chức lần lượt tại các thành phố thuộc Trung Quốc, Anh, Mỹ trong tuần này.
Hà Thu