Chủ tịch FPT và mô hình đãi ngộ ‘Thành Cát Tư Hãn’

Mô hình quản trị sáng tạo với tên gọi “Thành Cát Tư Hãn” vừa được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại một hội thảo quốc tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức. Bên lề hội thảo, ông đã có một số chia sẻ với VnExpress để làm rõ hơn về mô hình này.

– Tại sao ông lại đặt tên cho mô hình quản trị sáng tạo ở FPT là “Thành Cát Tư Hãn”?

– Như tôi đã nói, “Thành Cát Tư Hãn” chỉ là nickname (biệt danh, tên gọi tắt) cho một cấu thành trong mô hình quản trị sáng tạo.

Thành Cát Tư Hãn là người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ. Tuổi trẻ nhiều biến cố đã thôi thúc ông tin rằng, sứ mệnh của mình là làm bá chủ thế giới. Thành Cát Tư Hãn từ đó phát động các cuộc chinh phạt triền miền, lập nên một đế chế lớn nhất trong lịch sử thế giới.

chu-tich-TGD-6366-1414464581.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đặt nickname cho một cấu phần trong mô hình quản trị sáng tạo là “Thành Cát Tư Hãn”.

Một bí quyết chiến thắng của ông là thay vì lấy hết chiến lợi phẩm, ông đã chia làm ba phần: Một cho mình, một cho tướng trận và một cho quân sĩ. Nhờ vậy, ông trở thành bá chủ thiên hạ.

Chọn nickname “Thành Cát Tư Hãn” cho chính sách khuyến khích sáng tạo, chúng tôi hy vọng FPT sẽ thu hút được nhiều ý tưởng xuất sắc về công nghệ từ các nhân tài trong và ngoài tập đoàn, đủ tạo động lực để họ cùng FPT khởi nghiệp, tạo ra những hướng kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới…

– Chính sách đó cụ thể là gì, thưa ông?

– Còn hơi sớm để công bố vì nó đang được hoàn thiện và lấy ý kiến. Hiện tại, cách chia cũng khá giống với Thành Cát Tư Hãn, đó là chia 3: tác giả ý tưởng, FPT và cổ đông của FPT, đơn vị thành viên mới.

– Nếu “Thành Cát Tư Hãn” chỉ là một module (cấu phần) thì những module còn lại trong mô hình là gì?

– Bên cạnh chính sách đãi ngộ hấp dẫn “Thành Cát Tư Hãn”, mô hình còn 3 thành phần quan trọng và nhiều phần nhỏ khác. Muốn phát triển và hoàn thiện các ý tưởng, chúng ta cần tập hợp được nhiều nhất trí tuệ tập thể cũng như tạo nên tinh thần khuyến khích học tập. Đó là các seminar (họp chuyên đề).

Muốn đánh giá, triển khai được ý tưởng, cần phải có Viện nghiên cứu được kết nối với các tổ chức nghiên cứu công nghệ lớn trên thế giới để tìm ra những công nghệ hiện đại nhất. Muốn tạo ra sản phẩm và thử phản ứng của thị trường nhanh nhất, quy trình cần áp dụng là Lean Start-up (khởi nghiệp tinh gọn).

– Tại sao đối với học tập, ông lại sử dụng seminar?

– Seminar là cách tốt nhất để phát huy trí tuệ tập thể, tạo hưng phấn cho việc học. Khi còn học ở Lomonosov, tôi thường xuyên được tham gia các seminar theo phương pháp constructivism (học thuyết kiến tạo) và đã trưởng thành lên rất nhiều. Sử dụng phương pháp này, người thầy chỉ mang tính khơi gợi, định hướng, còn tập thể người học mới là trung tâm cung cấp thông tin và giải pháp. Nhờ đó, người học sẽ thấy hào hứng, rèn được tính chủ động khai thác thông tin và tư duy tích cực.

– Vậy với Lean Start-up, tại sao lại phải là mô hình này?

– Vì đây là mô hình cho phép biến một ý tưởng thành sản phẩm nhanh nhất, vừa thử phản ứng của người tiêu dùng vừa hoàn thiện. Lean Start-up yêu cầu các bạn ngay khi có ý tưởng cần phải trong vòng1-2 tháng, đưa ra một sản phẩm ban đầu, có thể thô ráp, đơn giản,  nhưng đó là sản phẩm và cần phải tìm cho bằng được khách hàng đầu tiên.

Điều này khó nhưng không phải không thể. Vừa rồi chúng tôi mới có ý tưởng ban đầu, chưa có sản phẩm mà đã ký được một hợp đồng mấy triệu đôla Mỹ với khách hàng. Tiếp theo, sản phẩm sẽ được tiến hóa dần, mỗi một bước tiến hóa lại có một số lượng khách hàng mở rộng hơn, và trở thành sản phẩm thương mại hoàn chỉnh.

Với cách làm như vậy, sáng tạo sẽ không phải đầu tư quá nhiều tiền vì chúng ta có nguồn thu từ sớm.

– Nhưng sẽ ra sao nếu sản phẩm đó không bán được?

– Khi đó chúng ta sẽ dừng luôn. Nếu thị trường không chấp nhận sản phẩm thì việc dừng sớm quá trình sản xuất sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

– Theo ông, mô hình quản trị sáng tạo này có thể giúp gì được cho các doanh nghiệp và các cá nhân?

– Tôi hy vọng mô hình sẽ thổi luồng khí sáng tạo tới khắp đất nước, để mỗi cá nhân sẽ trở nên sáng tạo hơn, mỗi doanh nghiệp sẽ mở hơn, hợp tác nhiều hơn… giúp doanh nghiệp nhỏ lớn hơn, còn doanh nghiệp lớn sẽ thành vĩ đại.

– Hiện tại FPT đã có giải pháp gì để thu thập và chọn lọc sáng tạo từ bên ngoài, từ đó kết nối với chính tập đoàn?

– Mô hình này không chỉ áp dụng cho cán bộ nhân viên mà còn mở đối với tất cả mọi người. FPT sẽ đem năng lực của Tập đoàn để hỗ trợ những ý tưởng trở thành sản phẩm thành công và tác giả ý tưởng được đãi ngộ xứng đáng. Hy vọng chủ nhân các ý tưởng đó sẽ trở thành triệu phú.

Việc kết nối với FPT rất đơn giản. Nếu ai có ý tưởng thì hãy gửi đến cho Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn FPT – Nguyễn Lâm Phương. Bộ phận của anh Phương sẽ tìm hiểu xem ý tưởng đó đã có ai làm chưa, mức độ khó khăn thế nào, có khả thi không?  Nếu được chấp nhận, FPT sẽ lập ra một đội chuyên trách và những người giỏi nhất trong tập đoàn liên quan đến việc này làm thành một hội đồng quản trị. Quá trình triển khai sẽ được hỗ trợ tối đa bởi năng lực của FPT về mạng lưới, thương hiệu, công nghệ, tài chính…

Kỳ Duyên

Để lại một bình luận