Đi cũng dở, ở không yên
Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến hết tháng 7-2014, các vi phạm công trình thủy lợi trên hệ thống sông Nhuệ luôn là điểm nóng với 150 trường hợp, trong đó riêng tháng 6 có đến 70 vụ vi phạm mới. Còn theo báo cáo của Tổng Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ, riêng tháng 7-2014 dọc trục chính của sông Nhuệ có 10 vụ vi phạm…
Những con số này không phải bây giờ mới được liệt kê, mà trên thực tế năm nào các vi phạm cũng bị “điểm mặt”. Gần đây, tại đường Phan Bá Vành, đường Sông Nhuệ thuộc quận Bắc Từ Liêm có một số công trình vi phạm do không có giấy phép xây dựng. Các công trình này đều đã lập hồ sơ vi phạm đầy đủ, thậm chí nhiều hộ bị xử phạt vi phạm hành chính và nhiều quyết định đình chỉ đã được cơ quan chức năng ban hành… Thế nhưng, sau đó các công trình vẫn được người dân hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Trên rất nhiều trang phương tiện thông tin đại chúng cũng phản ánh về các vụ vi phạm này.
Được biết, một số hộ dân có công trình đang bị yêu cầu phá dỡ ở phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm) đều được Xí nghiệp Xây dựng Cầu 202 (thuộc Công ty Cầu Thăng Long) có quyết định giao nhà, đất ở từ năm 1989. Trong số 70 hộ gia đình sinh sống tại khu tập thể này, có hộ ở ổn định từ ngày được cơ quan giao nhà, đất, cũng có hộ đã chuyển nhượng nhiều lần… và đều không có tranh chấp về đất đai. Một người dân ở đây nói: Hơn 20 năm qua, nhiều hộ dân phải sống trong những căn nhà tồi tàn, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hộ phải sửa chữa chắp vá mới có được chỗ ở. Trong khi đó, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 thế hệ. Nhiều hộ tích cóp mãi mới đủ tiền xây dựng được gian nhà, nhưng sau đó bị UBND phường Cổ Nhuế 2 thông báo phải dỡ bỏ vì xây dựng không có giấy phép. Vẫn biết theo quy định của pháp luật, việc xây dựng nhà không có giấy phép là vi phạm, nhưng chúng tôi ở trên đất được cơ quan giao chứ không phải lấn chiếm. Chúng tôi muốn được cấp “sổ đỏ” nhưng không cấp nào chấp nhận vì lý do vướng hành lang bảo vệ sông Nhuệ và vướng quy hoạch. Vậy, việc chúng tôi được cơ quan giao đất, nhà là không có nghĩa lý gì? Sau rất nhiều năm các cơ quan chức năng quản lý đất đai lỏng lẻo, không có hướng dẫn cụ thể về việc xin cấp phép sửa chữa, xây dựng… thì giờ đây lại ép người dân vào vi phạm? Đã đến lúc các cấp phải xem xét, nhìn nhận nguồn gốc đất tại khu vực này để hiểu vì sao người dân buộc phải vi phạm… Để người dân phải chịu cảnh bỏ đi cũng dở, muốn ở cũng chẳng yên thì trách nhiệm thuộc về ai?
Lúng túng trong xử lý
Sông Nhuệ bắt đầu từ cống Liên Mạc, chảy qua địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên với chiều dài 64km. Ở các quận, huyện này đều có các vi phạm công trình thủy lợi, trong đó tập trung chủ yếu ở quận nội thành. Làm việc với cán bộ các phường có nhiều vi phạm trật tự xây dựng, hầu hết mọi người đều ngao ngán, đôi khi cảm thấy bất lực vì bị “kẹt” giữa thực tiễn cuộc sống và các quy định của pháp luật. Nhiều hộ dân ở trên đất thuộc hành lang bảo vệ sông Nhuệ đã vài chục năm, đất do ông cha để lại… nhưng hễ xây dựng nhà đều bị quy vào vi phạm vì hầu hết các hộ dân đều chưa được cấp sổ đỏ, vì vậy không được cấp giấy phép xây dựng, thậm chí giấy phép xây dựng tạm cũng rất khó khăn. Hầu hết, các quận, huyện đều không chỉ rõ cụ thể về phạm vi bảo vệ sông Nhuệ, không có hướng dẫn về các trường hợp được xây dựng, bị giới hạn xây dựng hay không được xây dựng. Những hộ dân ở sát mép sông Nhuệ đành ngậm ngùi sống tạm trong những căn nhà ọp ẹp vì mặc dù không biết hành lang sông đến đâu, nhưng cũng tự suy đoán phần nhiều sẽ “trắng tay”. Song, cũng có những hộ ở cách mép sông Nhuệ đến 70-80m, đã ở ổn định hàng chục năm vẫn không được cấp sổ đỏ vì cấp thẩm quyền cũng không biết hành lang sông Nhuệ được xác định từ đâu(!?).
Quay trở lại với các hộ có công trình vi phạm ở khu tập thể Cầu 1, phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm), những hộ này đang rất bức xúc và cho rằng các cơ quan chức năng vô cảm khi ra thông báo yêu cầu phải dỡ bỏ công trình vi phạm. Chính cán bộ ở đây cũng lúng túng khi đứng trước yêu cầu của cấp trên. Nếu xử lý các hộ này, tại sao vi phạm của các hộ khác lại được tồn tại vì đó cũng là những trường hợp xây dựng nhà khi không được cấp phép? Mới đây, UBND quận Bắc Từ Liêm đã soạn bản dự thảo “Hướng dẫn trình tự cải tạo, sửa chữa nhà ở để chống dột, chống sập, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân nằm trong hành lang bảo vệ sông Nhuệ”. Nội dung văn bản hướng dẫn, cho phép các hộ được cải tạo theo hiện trạng cũ, không được xây mới. Mặc dù văn bản này ra đời khá muộn, nhưng cũng thể hiện sự quan tâm của các cơ quan chức năng đến các hộ dân sống dọc bờ sông Nhuệ. Trên thực tế, đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế vì chỉ sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường cắm mốc hành lang sông Nhuệ thì UBND quận mới xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mới vận dụng các quy định của pháp luật để cấp phép xây dựng…
Có thể nói, trong suốt một thời gian dài, các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý nên vi phạm sau cứ nối tiếp vi phạm trước. Và, nếu nhìn nhận công bằng thì việc buông lỏng quản lý xuất phát từ sự thiếu quan tâm của các cơ quan chức năng trong việc cắm mốc giới bảo vệ hành lang sông Nhuệ cũng như phân định nguồn gốc sử dụng đất của các hộ dân theo từng giai đoạn lịch sử. Điều này dẫn đến tình trạng “nhùng nhằng” trong xử lý vi phạm bất cập này đến bao giờ được giải quyết dứt điểm?