Nông dân luôn ở ‘kèo dưới’

Từ nhiều năm nay, ông Trương Văn Tài ở xã An Hòa, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) vẫn không có sự lựa chọn nào hơn là bán lúa non tại ruộng cho các thương lái. Ông Tài chia sẻ với VnExpress, dù Nhà nước có chỉ đạo các công ty thu mua tạm trữ lúa nhưng không giúp gì đáng kể cho bà con nông dân tại An Giang cũng như Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Theo ông Tài, nông dân có ký kết với một số doanh nghiệp, nhưng đến vụ họ không thu mua vì nhiều lý do, trong đó, gần như các doanh nghiệp không đầu tư vốn đầu vào cho nông dân nên dễ dàng đánh tháo. Chưa kể, các doanh nghiệp còn yêu cầu nông dân tự vận chuyển ra tận kho chứa, trong khi không có phương tiện. Do đó, khi có thương lái đến tận ruộng thu mua, bà con bán luôn mặc dù biết giá thấp hơn nhiều so với giá ký kết với công ty. “Chúng tôi đành chấp nhận bán để cho nhanh lẹ”, ông Tài nói.

anh-Gia-bao-3396-1413959123.jpg

Vị thế mặc cả của nông dân Việt Nam đang quá yếu trên thị trường. Ảnh: Gia Bảo

Thực tế mà ông Tài và nhiều nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải được Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gọi nôm na là vị thế mặc cả. Vị chuyên gia này cho rằng vị thế mặc cả của  nông dân Việt Nam trên thị trường quá yếu, dù đang có hàng triệu hộ trồng lúa. “Việt Nam cần xem xét lại cấu trúc dọc của ngành lúa gạo hiện nay. Một thị trường càng cạnh tranh thì vị thế của người nông dân càng được nâng cao. Cạnh tranh để nông dân nắm được giá và họ có quyền lựa chọn người chơi”,Viện phó CIEM nhấn mạnh.

Ông Thành cho rằng, bằng các hình thức liên kết hợp tác với nhau, chắc chắn vị thế mặc cả của nông dân sẽ thay đổi và vai trò của họ sẽ được khẳng định hơn trong chuỗi giá trị. Đây cũng là yêu cầu hoàn toàn tất yếu của thị trường.

Làm rõ thêm vấn đề, ông Tài cho rằng việc liên kết nông dân với doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ thời gian vừa qua không phải là liên kết thực chất. Với người nông dân đến từ vựa lúa An Giang này thì sự liên kết hiệu quả và an toàn nhất đối với đa số nông dân hiện nay phải bắt đầu từ sự liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo đủ năng lực đảm bảo việc thu mua sản phẩm đúng giá và đúng thời gian thu hoạch. “Một khi doanh nghiệp vật tư và doanh nghiệp lương thực có dính líu với nhau thì người nông dân mới được hưởng lợi”, ông Tài nói.

Trước đó, khi Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu nhằm liên kết các nông dân giúp tăng vị thế mặc cả trên thị trường, thì các tổ hợp tác hay hợp tác xã của nông dân đã ra đời. Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh Nông nghiệp Việt Nam, hiện các tổ hợp tác tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại nhưng với số lượng không nhiều. Các đơn vị này hầu hết chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu ban đầu. Nhiều nông dân còn tâm lý e ngại khi tham gia các tổ chức này.

luagao-7485-1413959124.jpg

Các tổ hợp nông dân sẽ giúp người nông dân nâng vị thế mặc cả trên thị trường lúa gạo

Đánh giá về mô hình tổ hợp nông dân, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, đây là một tổ chức nghề độc lập với vai trò chính trị của Hội Nông dân Việt Nam hay Hiệp hội Lương thực Việt Nam hiện nay. Do vậy, khi tổ chức không nên áp đặt hình thức thực hiện. Tốt nhất, các đơn vị cần chú trọng vào những khâu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm lúa gạo của người nông dân như mua chung vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu… hoặc đầu tư sân phơi, máy sấy, kho trữ lúa. Đây mới là những điều mà nông dân cần.

 “Hội Nông dân Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam hiện nay hầu như không thực hiện được chức năng hỗ trợ kinh doanh cho người nông dân thì tổ hợp tác sẽ thay thế để làm việc đó”, Tiến sĩ Anh chia sẻ.

Trong khi đó, thị phần của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đang chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Điều này ít nhiều chi phối đến chính sách phát triển ngành lúa gạo Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, các công ty này vừa kinh doanh vừa tham gia xây dựng chính sách khiến các doanh nghiệp bên ngoài chịu nhiều thiệt thòi. Điều này đồng nghĩa nông dân cũng không có nhiều sự lựa chọn doanh nghiệp để bán lúa. Do vậy, cần thiết tách bạch rõ vần đề thực thi và thừa hành chính sách mua gạo tạm trữ của Vinafood 1 và Vinafood 2, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân năng lực tốt được tham gia thị trường đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người nông dân.

Thành Tâm

Để lại một bình luận

0913.756.339