Kinh doanh bất động sản phải có vốn 50 tỷ đồng

Tại hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định thi hành một số một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/3, nhiều nội dung đã được đề cập trong đó, quy định về vốn điều lệ nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, thay vì yêu cầu vốn điều lệ 6 tỷ đồng khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như hiện nay, cơ quan soạn thảo đã quy định doanh nghiệp muốn đầu tư kinh doanh tại một số dự án phải có số vốn không thấp hơn 50 tỷ đồng. Với các dự án nhỏ hơn, không thuộc diện cơ quan thẩm quyền quyết định, yêu cầu vốn là 20 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, việc tăng số vốn điều lệ tại các doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng “người người, nhà nhà làm bất động sản” dẫn đến nhiều dự án dang dở, thiệt hại đến người tiêu dùng như thời gian qua.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP Invest)-ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, thay vì ấn định con số tuyệt đối, nên quy định vốn của chủ đầu tư không được nhỏ hơn 20% tổng mức chi phí dự án. Theo ông, một dự án quy mô đầu tư 2.000 tỷ đồng, với số vốn 40- 50 tỷ đồng thì không thể triển khai được. Vậy mà thực tế nhiều doanh nghiệp có trong tay chỉ 100-200 tỷ đồng cùng lúc triển khai 2- 3 dự án.

“Khi có 3 dự án trong tay tôi đảm bảo là họ khó làm đúng quy định về vốn”, vị này nói.

Lãnh đạo GP Invest cũng cho biết, kinh doanh dịch vụ bất động sản chỉ thuần túy môi giới, bán sản phẩm thì vốn có thể 20 tỷ đồng hoặc nhỏ hơn . Nhưng đã là chủ đầu tư bất động sản thì 50 tỷ đồng hoặc nhiều hơn vẫn phải đảm bảo được năng lực thực thi. “Đang có nhầm lẫn giữa doanh nghiệp đầu tư bất động sản và đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản”, ông nói. Do vậy, theo ông Hiệp, cơ quan quản lý cần tách bạch hai loại hình doanh này, từ đó mới tính đến xác định mức vốn cụ thể.

Bà Phan Hải Anh, Tập đoàn Vingroup lo ngại việc đưa ra có nhiều mức vốn sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan quản lý. Hiện nay, tại Luật Đất đai đã quy định chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư bất động sản phải đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu (15% hoặc 20%) trên tổng vốn đầu tư dự án. Do đó, theo bà, Bộ Xây dựng chỉ đưa ra một mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là phù hợp.

Ngoài vấn đề vốn, các nội dung liên quan đến năng lực của doanh nghiệp bất động sản cũng được đề cập. Đại diện đến từ Đại học Luật Hà Nội cho biết, các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản được nêu tại Dự thảo lần này vẫn khá chung chung, sơ sài. Nguồn vốn có liên quan mật thiết đến năng lực triển khai dự án của doanh nghiệp, song theo vị này, vấn đề xử lý khi doanh nghiệp vi phạm quy định về vốn đã không được cơ quan soạn thảo đề cập.

“Khi doanh nghiệp vi phạm về số vốn điều lệ thì dự án có được tiếp tục thực hiện hay không? Nếu có thì thời hạn để doanh nghiệp sửa chữa là bao lâu? Trách nhiệm đặt ra đối với các dự án dang dở sẽ được giải quyết thế nào? Đây là những nội dung cần làm rõ để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho bên mua-là người không có lỗi”, đại diện này bày tỏ.

Dự thảo Nghị định thi hành một số một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014. Luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, sẽ thay thế Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006. Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Nghị định thi hành một số điều của Luật này, trong đó tập trung vào các nội dung gồm: Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; các loại hợp đồng mẫu trong kinh doanh bất động sản; chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn;  chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai…

Thành Tâm

Để lại một bình luận

0913.756.339