Phương làm kế toán trưởng cho một doanh nghiệp phân phối ôtô tại quận Phú Nhuận, TP HCM được 3 năm. Không chỉ làm kế toán, cô còn kiêm nhiệm đủ thứ, nhưng mỗi tháng cũng chỉ nhận được 15 triệu đồng tiền lương. Hơn nữa, thời gian dành cho công việc quá nhiều, thông thường cô chỉ về nhà sau 19h tối.
“Nhiều lần định chuyển công việc nhưng giám đốc cho biết sẽ cân nhắc tăng lương và trao thêm một số quyền khác, nên lại thôi”, Phương bộc bạch.
Tuy nhiên, bước sang năm 2014, Phương quyết tâm không chờ đợi mà nộp hồ sơ ứng tuyển vào một công ty nước ngoài. Với vốn ngoại ngữ tốt cùng kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hóa xuất nhập khẩu, Phương đã được một công ty của Đức chuyên về dịch vụ logistics tại quận I trả mức lương 2.000 USD (hơn 40 triệu đồng) chỉ sau 2 tháng thử việc và đảm nhận chức giám đốc tài chính.
“Các công ty đa quốc gia không chỉ có môi trường làm việc tốt, mức lương cao, mà còn có thể tiếp tục thăng tiến nếu bạn có năng lực thực sự”, Phương chia sẻ.
Quản lý cấp cao ở công ty đa quốc gia được trả cao hơn trong nước 41%. |
Cũng chuyển công tác được khoảng 6 tháng, chị Linh ở quận 3 (TP HCM ) cho biết, trước đây là trưởng bộ phận truyền thông của một công ty Việt Nam, nhưng mức lương cũng chỉ 10-15 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang làm cho công ty bảo hiểm của một tập đoàn đa quốc gia với vị trí tương đương, mức lương lập tức cao hơn 40%, lên 21 triệu đồng một tháng.
“Đặc biệt, công việc tại các công ty nước ngoài rất rõ ràng, không phải kiêm nhiệm nhiều như ở công ty trong nước”, chị Linh nói thêm.
Là một người có nhiều kinh nghiệm, từng kinh qua rất nhiều công ty trong ngành bán lẻ với vị trí giám đốc, ông Hòa, hiện làm giám đốc cho một hệ thống siêu thị của tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam cũng thừa nhận mức lương mà các công ty nước ngoài trả cho các vị trí quản lý hấp dẫn hơn nhiều so với trong nước.
Bên cạnh đó, người quản lý còn được đưa ra nhiều chiến lược đóng góp vào sự phát triển công ty. Ngược lại, ở các công ty nội, thu nhập không cao mà nhiều chính kiến dễ bị vùi dập và chi phối.
“Chính vì không được tự quyết ngay cả những công việc vừa tầm, nên tôi quyết định dù có chuyển công tác cũng chỉ chọn các đơn vị ngoại”, ông Hòa nói.
Khảo sát của VnExpress.net trên các trang web tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam cũng cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa các công ty ngoại và nội.
Cụ thể, vị trí giám đốc sản xuất tại các công ty nước ngoài luôn trên mức 2.000-3.000 USD, trong khi tại các công ty Việt dao động chỉ khoảng 1.000-2.000 USD, đa số là 1.500 USD.
Ông Ngô Đình Đức – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Le & Associate (L&A) cho biết, hiện nay có sự chênh lệch lớn trong mức trả lương giữa các doanh nghiệp đa quốc gia và trong nước đối với mọi vị trí. Trong đó, nhân sự cao cấp có mức lệch lớn nhất.
Theo nghiên cứu của công ty ông, ở vị trí quản lý, mức lương tại các công ty nước ngoài cao hơn 36%. Riêng quản lý cấp cao được trả hơn 41% trong nước… Không những vậy, chế độ lương tại công ty Việt Nam cũng thiếu đa dạng. Đối với công ty trong nước, chỉ có khoảng 3 mức trả, trong đó, 77% doanh nghiệp trả lương cho nhân viên một năm 13 tháng; 21% là 12 tháng và chỉ có 3% là mức khác.
Tuy nhiên, tại các công ty đa quốc gia, 13% doanh nghiệp trả mức khác, 17% trả 12 tháng, 67% trả 13 tháng. Ngoài ra, còn có 4% trả 14 tháng lương trong một năm.
Do vậy, theo ông Đức với chênh lệch mức lương khá cao, hiện rất nhiều nhân sự cấp cao Việt Nam dịch chuyển công tác sang công ty nước ngoài. Đặc biệt, 2015 khi Việt Nam hội nhập ASEAN thì lượng lãnh đạo cấp cao chuyển đổi sang các tập đoàn đa quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn và thách thức về nhân sự tại các công ty Việt Nam sẽ trở nên gay gắt.
Có cùng quan điểm với ông Đức, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search cũng cho biết, việc cạnh tranh về nhu cầu nhân sự cấp cao trong 2015 sẽ gắt gao, đặc biệt trong ngành bán lẻ. Theo đó, người lao động được hưởng lợi khi được các công ty đưa ra mức lương thưởng, chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đang thiếu hụt nhân sự cấp cao trong ngành này. Do vậy, nhân sự lĩnh vực bán lẻ có khả năng rơi vào vòng lẩn quẩn, chuyển dịch từ doanh nghiệp này sang đơn vị khác, vì thực tế những nhân tố mới không có nhiều.
Theo báo cáo của JobStreet, năm nay, mức lương dành cho cán bộ công nhân viên của các công ty sẽ tăng 2-10% so với 2014. Trong đó, ở mức tăng 6-10% thì khối đơn vị nước ngoài có tới 61% số lượng công ty chịu chi trả, còn trong nước chỉ khoảng 44%.
Hồng Châu