Chiếc xe hiệu Itasca Suncruiser được Cục Hải quan Đồng Nai tiến hành làm thủ tục thông quan tháng 12/2014, song đến nay vẫn chưa xác định được cơ sở tính thuế, dù đã tham vấn cấp trên và các ngành liên quan. Nguyên nhân được hải quan lý giải vì đây là lần đầu tiên xử lý một chiếc motorhome (nhà di động) nên chưa xác định được thuế suất áp theo số chỗ ngồi hay căn cứ nào khác.
Tuy nhiên, theo hệ thống lưu trữ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đây lại không phải lần đầu một chiếc xe loại này được làm thủ tục nhập khẩu. Cụ thể, cách đây gần 9 năm, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại TP HCM là nơi đầu tiên trong cả nước cấp giấy chứng nhận cho xe ôtô có nội thất như nhà ở di động.
Đây là chiếc xe được chở tối đa 5 người, do hãng Ford sản xuất, được một doanh nghiệp có trụ sở tại quận Phú Nhuận nhập về qua cảng Cát Lái vào tháng 7/2006. Tới tháng 11 cùng năm, chủ nhân chiếc xe tiến hành đăng kiểm và được cơ quan này cấp chứng nhận đủ điều kiện để đi đăng ký lưu hành.
Một chiếc motorhome đã được nhập về Việt Nam. Ảnh: Cục Đăng kiểm |
Hai năm sau đó, một công ty xuất nhập khẩu tại quận Tân Bình chỉ mất khoảng hai tuần để làm thủ tục tương tự khi nhập cùng lúc 2 chiếc motorhome loại dành cho 2 người.
Cùng trong thời gian này, tờ khai nhập khẩu loại xe này của một doanh nghiệp tại Tây Ninh cũng đã được mở, mang nhãn hiệu Coach House được sản xuất tại Mỹ và cho phép tối đa 7 người dùng. Đến nay, theo ghi nhận của Cục Đăng kiểm, đây là chiếc motorhome lớn nhất từng được nhập về Việt Nam.
Trong khi đó, một trong những chiếc motorhome xuất hiện đầu tiên tại miền Bắc là chiếc Sprinter cho hai người dùng, được nhập về đầu năm 2008. Hồ sơ cho thấy chủ lô hàng – Công ty TNHH Hàng gia dụng và công nghiệp có trụ sở tại quận Ba Đình – chỉ mất 10 ngày từ khi mở tờ khai hải quan đến hoàn tất thủ tục đăng kiểm. Không lâu sau đó, ngành giao thông Hải Phòng cũng đã cấp chứng nhận kỹ thuật cho một ngôi nhà di động được hoán cải từ xe rơ moóc.
Nội thất chiếc motorhome được một doanh nghiệp nội nhập khẩu. Ảnh: Cục Đăng kiểm |
Lãnh đạo Phòng Đăng kiểm xe cơ giới (Cục Đăng Kiểm) cho biết theo quy trình, việc nhận giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật là bước cuối cùng trong thủ tục nhập khẩu ôtô. Để có được giấy này, trước khi làm thủ tục thông quan, doanh nghiệp phải đăng ký kiểm tra với đăng kiểm. Sau khi được cơ quan này xác nhận đã đăng ký thì doanh nghiệp mới trở lại mở tờ khai hải quan.
“Ngành đăng kiểm đã có đầy đủ quy định, tiêu chuẫn kỹ thuật với motorhome nên đăng kiểm viên không hề bỡ ngỡ khi gặp loại xe này. Doanh nghiệp nhập khẩu vì thế cũng không phải mất thời gian chờ đợi ở khâu đăng kiểm”, ông Nguyễn Tô An, quyền trưởng phòng Đăng kiểm xe cơ giới khẳng định.
Vẫn theo ông An, từ giữa năm 2015, cơ chế hải quan điện tử sẽ được áp dụng trong toàn hệ thống đăng kiểm. Khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chỉ cần gửi và nhận hồ sơ đăng kiểm qua mạng, các trung tâm đăng kiểm sẽ đến tận cảng làm thủ tục thông quan để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chỉ sau 5 ngày làm việc.
Trong khi đó, ngành hải quan vẫn chưa xác định được cách tính thuế với chiếc motorhome mà một doanh nghiệp nhập về hồi tháng trước qua cửa khẩu Đồng Nai, dù đã cho phép tạm thông quan để giải phóng hàng.
Chí Hiếu