Hình minh họa
Vào các năm 2011, 2012, qua những lần chuyện trò, L. biết gia đình T. đang chôn vốn khá nhiều trong đất đai, nhà cửa. Tuy vậy T. vẫn kỳ vọng trong tương lai gần, bất động sản sẽ tan băng. Theo thời gian, tảng băng bất động sản vẫn chưa tan nên người ít vốn, vay tiền ngân hàng kinh doanh gặp không ít khó khăn, trong đó có vợ chồng T.
Giữa năm 2013, sau nhiều lần dò hỏi xa gần, T. quyết định mượn tiền của L. Biết gia đình hàng xóm đang gặp khó khăn tạm thời, nhưng bản thân chưa bao giờ sống bằng nghề cho vay nên L. khá đắn đo, phân trần: “Có chút tiền dành dụm em đều gửi ngân hàng cả. Nếu chị cần thì em giúp vì mối thân tình giữa hai gia đình lâu nay, không cần trả lãi đâu”. Trước sự chân thành của người láng giềng, T. xúc động bày tỏ: “Làm thế thiệt thòi cho em quá. Thôi, để em vui mà chị cũng không áy náy, chị sẽ gửi cho em chút đỉnh tiền lời đúng như lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, chị sẽ thế chấp tài sản khi vay tiền để em được yên tâm”.
Nói đi đôi với làm, T. dùng một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp làm tin khi vay 250 triệu đồng của L. Thấy giấy chủ quyền không đứng tên vợ chồng T. mà mang tên một người khác, L. thắc mắc thì được giải thích: “Vợ chồng chị kinh doanh nhà đất, đã đứng tên chủ quyền nhiều tài sản lắm rồi. Vì thế có một số nhà, đất chị giữ nguyên tên chủ cũ để khi bán không phải chịu thuế thu nhập cá nhân cao. Mấy chỗ này đều là người quen, uy tín cả, nếu mình tìm được người mua họ sẽ đến phòng công chứng làm hồ sơ sang tên luôn. Hiện chị đang rao bán hai căn nhà, khi nào bán được sẽ trả nợ gốc và lãi cho em”. Nghe vậy, L. vui vẻ chi ra 250 triệu đồng để nhận về quyển sổ đỏ.
Vài tháng sau, T. lại gặp L. đề đạt nguyện vọng muốn vay thêm 190 triệu đồng nữa và được đáp ứng. Cũng như lần trước, T. tiếp tục thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người khác. Nhận tiền được ít ngày, T. tiếp tục gặp L. nói khó: “Trị giá miếng đất chị vừa thế chấp cho em rất lớn, nếu chỉ vay có 190 triệu đồng thì thiệt cho chị quá. Em xem có thể nâng thêm cho chị ít tiền nữa được không”. Theo nguyện vọng của con nợ, chủ nợ chi thêm 120 triệu đồng.
Một ngày đẹp trời, hay tin hàng xóm cũ đã bán được nhà, L. tất tả chạy sang xem và được biết họ đã chuyển đi nơi khác từ vài ngày trước. Chột dạ với suy luận “họ đi sao không báo mình một tiếng, hai giấy chủ quyền đất giá trị gấp đôi, ba lần tiền vay cũng không thèm đả động là sao?”. L. liền đến phòng địa chính hỏi và sốc nặng khi nhận được câu trả lời: “Cả hai quyển sổ trên đều không có giá trị, vì khu đất trên đã được Nhà nước giải tỏa và đền bù từ nhiều năm trước”. Biết mình ôm quả đắng, L. chỉ còn biết trách thân sao quá tin người và nhờ cơ quan pháp luật đòi lại công bằng.
Hiện tượng dùng giấy tờ nhà đất, hộ khẩu, chứng minh nhân dân giả, giấy chủ quyền hết “đát”… để thế chấp vay tiền thời gian gần đây xảy ra khá nhiều. Người dân cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ tài sản, giấy tờ trước khi giao tiền cho người khác.
Bích Châu (Công an Tp.HCM))
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.