Trung Quốc hắt hơi, kinh tế châu Á sổ mũi

6 năm trước, Trung Quốc được coi là cỗ máy tăng trưởng của thế giới trong khủng hoảng toàn cầu, là sức đẩy lớn cho các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ này đang dần chậm lại do nhiều hệ lụy kinh tế từ 3 thập kỷ tăng trưởng nhanh. Năm ngoái, Trung Quốc không đạt mục tiêu tăng GDP 7,5%. Tuần trước, Thủ tướng nước này – Lý Khắc Cường cũng hạ mục năm nay xuống 7%, chậm nhất 15 năm.

Ông Lý dự báo Trung Quốc sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm nay. Cuối tháng trước, nước này đã giảm lãi suất lần thứ 2 trong 3 tháng, nhằm thúc đẩy tín dụng và tăng trưởng trong nền kinh tế.

China-6137-1426153638.jpg

GDP Trung Quốc đã tăng đáng kể so với Mỹ trong 10 năm qua. Ảnh: Bloomberg

Việc này đã khiến nhiều quốc gia châu Á lo lắng, bất chấp bức tranh tại Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần sáng sủa. Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã bất ngờ hạ lãi suất lần đầu tiên trong 5 tháng. Hiện lãi suất cho vay ở nước này còn thấp kỷ lục tại 1,75%.

Thông báo của cơ quan này cho biết: “Nhờ tác động từ đà hồi phục kinh tế tại các nước phát triển và giá dầu thấp, kinh tế Hàn Quốc được dự báo cải thiện trong những tháng tới, dù tốc độ còn khiêm tốn do các vấn đề cấu trúc kiềm chế tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đi xuống có thể là một rủi ro”. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng hạ lãi suất cơ bản xuống 1,75%, do triển vọng tăng trưởng yếu và rủi ro khi Trung Quốc suy giảm. “Xuất khẩu có thể hồi phục với tốc độ gần như dự báo, nhưng rủi ro đang ngày càng tăng từ các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc”, thông báo của cơ quan này cho biết.

Bloomberg cho rằng dựa theo 2 lần giảm lãi suất này, các nhà hoạch định chính sách châu Á dường như đang tập trung vào tình hình u ám tại Trung Quốc nhiều hơn là bức tranh khởi sắc tại Mỹ.

Giữa tháng trước, NikkeiAsian Review cũng trích bình luận của Giám đốc Standard & Poor’s Nhật Bản – Naoko  một hội thảo tại Tokyo cho biết: “Với các nền kinh tế châu Á hiện tại, rủi ro lớn nhất là xu hướng kinh tế Trung Quốc”.

Standard & Poor’s ước tính trong 2 năm tới, tăng trưởng của Trung Quốc có thể chậm lại 0,7%. Khi đó, tốc độ này tại Hong Kong (Trung Quốc) sẽ mất 2,3%, Đài Loan (Trung Quốc) mất 2,1%, Hàn Quốc giảm 1,3%, Singapore giảm 1% và Australia sẽ mất 0,8%.

Nguyên nhân là họ phụ thuộc nhiều mặt vào kinh tế Trung Quốc, và quy mô nền kinh tế này hiện cũng lớn nhì thế giới. Hệ quả là giới chức cũng phải nới lỏng chính sách theo để giảm thiểu tác động từ Trung Quốc.

Hà Thu

Để lại một bình luận

0913.756.339