Hội thảo “Tổng kết thực hiện dự án trao quyền pháp lý cho người nghèo năm 2014” do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) vừa tổ chức sáng 15/12. Nhiều thông tin qua khảo sát của các trung tâm tư vấn pháp lý thuộc các Tỉnh, Thành hội Luật gia trên cả nước khẳng định, người dân cần được tư vấn pháp lý để tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng liên quan đến đất đai trước tình trạng tham nhũng “vặt” nhờ lợi dụng thủ tục hành chính.
Không qua “cò”, sổ đỏ bị “ngâm tôm”
Khảo sát thực trạng quản lý và sử dụng đất đai ở Đồng Nai, ông Vòng Khiềng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia (HLG) Đồng Nai cho rằng có tình trạng tham nhũng vặt ở cơ sở trong việc cấp sổ đỏ khá phổ biến. Thực trạng trên khiến nhiều địa phương thiếu nhiệt tình hợp tác với Trung tâm Tư vấn pháp luật để tổ chức tư vấn cho dân.
Thực tế tư vấn pháp lý cho người dân về đất đai cho thấy, có trường hợp chính quyền địa phương không công khai danh sách người được cấp sổ đỏ để “vòi vĩnh”, ép thông qua “cò” mới trả sổ đỏ. Người dân cho biết, “có trường hợp làm sổ đỏ lúc đầu đòi 60 triệu, nhưng sau “hạ” còn 6 triệu để được làm nhanh”. Khi cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật của HLG Đồng Nai làm việc ở huyện, xã về vấn đề cấp sổ đỏ thì được khẳng định “đã cấp gần xong”, nhưng vẫn có đến 30 hộ nông dân chưa được cấp dù đã nộp hồ sơ từ năm 2000. Có hộ còn bị thu giấy biên nhận mà không có bất kỳ văn bản nào, có 1.218 sổ đỏ đã được ký từ năm 2012, 2013 nhưng đến nay chưa giao cho người dân… Trong khi người dân thắc mắc, băn khoăn về quyền lợi thì cán bộ địa chính lại không đến đối thoại với dân.
Bên cạnh đó, các dự án phát triển kinh tế – xã hội có thu hồi đất luôn trở thành điểm nóng về khiếu kiện đất đai, mà nguyên nhân chính là chưa làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện chính sách đền bù cho các hộ dân bị thu hồi đất chưa đúng theo qui trình, công khai, minh bạch…
Khảo sát tình hình thu hồi đất, đền bù dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cho thấy, đến tháng 6/2014, hầu hết trong số 2.406 hộ bị thu hồi đất tại huyện Tuy Phong và Bắc Bình có khiếu nại về giá bồi thường, về diện tích bồi thường thiếu so với khi kiểm kê tài sản, đề nghị bố trí tái định cư…
Dân không hiểu pháp luật nên ỷ vào chính quyền
Có địa phương như ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng), người dân chưa tự giác làm thủ tục đăng ký, ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của chính quyền và thậm chí không đến nhận sổ đỏ mà đợi cán bộ tới giao tận nhà. Một phần nguyên nhân là do tuy lệ phí trước bạ được miễn nhưng phí đo đạc trích lục bản đồ địa chính vẫn là số tiền “khổng lồ” với đồng bào dân tộc thiểu số và người dân ở huyện Đam Rông. “Đây là vướng mắc lớn nhất, vượt khả năng của người dân trong việc làm thủ tục cấp sổ đỏ nên cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính để các hộ nghèo có điều kiện được cấp sổ đỏ nhằm ổn định cuộc sống” – ông Huỳnh Xuân Phong, Phó Chủ tịch HLG tỉnh Lâm Đồng kiến nghị.
ảnh minh hoạ
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành các qui định pháp luật đất đai chưa thực hiện một cách thường xuyên và sâu rộng. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Kiến Quốc – Chủ tịch HLG tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân khiến người dân tại các dự án khiếu nại về đất đai là việc thực hiện chưa đúng qui định về thu hồi, bồi thường. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân, đo đạc đất, áp giá có thiếu sót và thiếu công khai, minh bạch; áp giá chưa đúng khiến người dân thắc mắc, một số chủ đầu tư chậm chuyển kinh phí bồi thường…
Nhờ sự tư vấn của các trung tâm tư vấn pháp luật, nhiều hộ dân ở Phú An, Tà Lài (Đồng Nai) đã được cấp sổ đỏ, tháo gỡ vướng mắc giữa chính quyền và người dân trong việc cấp sổ đỏ cho 60 hộ dân tộc ấp Bon Bon (xã Thanh Sơn, Đồng Nai), 95% hộ dân có khiếu nại việc bồi thường ở dự án quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được thẩm định xét duyệt bồi thường. Không những vậy, hơn 3.000 hộ được quyết định thay đổi bổ sung bồi thường về tài sản do di dời với tổng số tiền đã chi trả là 379,8 tỷ đồng…
Đại diện các tỉnh, thành, HLG cho rằng, chính quyền cơ sở cần theo dõi biến động đất đai của người dân, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để người dân đăng ký quyền sử dụng đất. Quan trọng hơn, ông Huỳnh Xuân Phong – Phó Chủ tịch HLG tỉnh Lâm Đồng lưu ý, cần tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý để người nghèo, người chịu thiệt thòi trong xã hội tiếp cận công lý, làm cho người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong sử dụng đất đai để thực hiện và yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ các qui định của pháp luật về đất đai.
Huy Anh (Pháp luật VN)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.