TP. Hồ Chí Minh: Kiểm tra toàn diện chung cư

Sở Xây dựng TPHCM từng khảo sát và thống kê đến 16 vấn đề bất cập,
vướng mắc cơ bản liên quan đến nhà chung cư trên địa bàn. Ảnh:HỒNG PHÚC
Theo quyết định (số 818) của UBND TPHCM, các chung cư sẽ được kiểm tra toàn diện liên quan đến quản lý, sử dụng, bảo trì, an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), hoạt động của ban quản trị cũng như nghĩa vụ của chủ đầu tư trong quá trình bàn giao, vận hành nhà chung cư;…Tuy nhiên, mục đích của kế hoạch tổng kiểm tra được UBND TP hết sức quan tâm trong đợt triển khai này là tìm hiểu thực tiễn tình hình vận hành các mô hình nhà chung cư trên địa bàn. Từ đó, Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì thực hiện nắm được các bất cập, thiếu sót của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà chung cư để trình UBND TP và có cơ sở báo cáo, cũng như kiến nghị Bộ Xây dựng.
Hiện nay trên địa bàn TPHCM, chỉ có 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ là chưa thực hiện xây dựng các dự án nhà chung cư, trong khi đó, 21/24 quận/huyện còn lại đã phát triển rất nhanh mô hình này, với khoảng gần 1.300 chung cư trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã phát sinh các vướng mắc, bất cập liên quan đến năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà chung cư thuộc thẩm quyền của TPHCM. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong số 52.370 lượt kiểm tra công trình xây dựng thời gian qua, đã phát hiện đến trên 2.500 vụ vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, trong đó có các vi phạm liên quan đến xây dựngn hà chung cư. Cụ thể, trong số các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Sở Xây dựng TP đã thành lập các Đoàn thanh tra toàn diện về quá trình đầu tư xây dựng và công tác quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của pháp luật đối với dự án chung cư Nguyễn Quyền (Q.Bình Tân); chung cư Sacomreal 584 (Q.Tân Phú), dự án chung cư cao tầng tại Q.Thủ Đức; chung cư Bàu Cát 2 (Q.Tân Bình), chung cư Thuận Việt (Q.11);…Vụ việc điển hình là Ban Quản trị(BQT) chung cư 4S Riverside (Q.Thủ Đức) đã khởi kiện ra TAND Q.3 (TPHCM) yêu cầu Công ty Thành Trường Lộc là đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm phải chuyển giao lại quỹ bảo trì với số tiền hơn 3,1 tỉ đồng cho BQT này. Đây là vụ việc chung cư kiện đòi quỹ bảo trì đầu tiên trên cả nước xảy ra vào năm 2014 được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây cũng là vấn đề nóng bỏng nhất mà các văn bản pháp luật hiện nay dường như còn mơ hồ, khiến nhiều người dân mua nhà chung cư bị thiệt hại trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Nghị định 71/2010 về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng dù đã có quy định chủ đầu tư có trách nhiệm thu phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng và lập tài khoản tiền gửi cho từng căn hộ tại ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, thực tế trên 80% các dự án chung cư đã thành lập BQT và bàn giao căn hộ cho khách hàng nhưng vẫn lập lẹm đi khoản tiền 2% quỹ bảo trì này. Cực chẳng đã, chính những người mua căn hộ chung cư phải vác đơn đi kiện chủ đầu tư và không ít vụ tranh chấp quỹ bảo trì đã kéo dài cả chục năm vẫn chưa dược giải quyết. Trong khi đó, hiện các phương án giải quyết vẫn mới chỉ ở mức thương lượng giữa 2 bên, đặt ra vấn đề cấp thiết phải có quy định luật pháp rõ ràng trong thời gian tới.
Ngoài tranh chấp quỹ bảo trì, Sở Xây dựng TPHCM cũng từng tiến hành khảo sát thực tế tại gần 60 chung cư đang có các vấn đề bất cập, tập trung vào quá trình sử dụng, quản lý chi phí vận hành, không tổ chức hội nghị nhà chung cư theo đúng quy định; tranh chấp diện tích sở hữu chung – riêng….
Dư luận đặt câu hỏi: Liệu rằng đợt tổng kiểm tra nhà cung cư lần này có giải quyết được các bất cập tồn đọng hết năm này qua năm khác trong thời gian qua, nhất là các vấn đề tồn đọng của các chung cư mà chính Nghị định 71/2010, cũng như các văn bản pháp luật hiện hành vẫn chưa giải quyết dứt điểm các tranh chấp?

Lê Anh (Đại Đoàn Kết)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339