Đối với cấp tín dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu, trước đây NHNN quy định tổng dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đầu tư kinh doanh chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại đó. Đến nay, NHNN quy định tổng đầu tư vào kinh doanh cổ phiếu không vượt quá 5%. Điều khoản này cần thiết, kiểm soát tốt hơn sở hữu, nhất là sở hữu chéo giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tiệm cận thông lệ và chuẩn mực tốt của thế giới.
Tại VietinBank, đối tượng khách hàng rất đa dạng, trong chính sách tín dụng và đầu tư cho vay cũng tập trung nguồn vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh, trực tiếp tạo ra của cải hàng hóa cho xã hội; bám sát vào chỉ đạo của Nhà nước tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên để khai thác tốt hơn lợi thế của đất nước ví dụ cho vay thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nông thôn, các ngành nghề, hoạt động sản xuất doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, việc đáp ứng đầy đủ vốn cho các doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và FDI rất được quan tâm đầu tư, ngoài ra còn đẩy mạnh cho vay xuất khẩu, ứng dụng khoa học công nghệ. Những lĩnh vực đó chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay của VietinBank.
Thị trường tài chính thời gian qua có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên chưa cân đối đặc biệt là thị trường trái phiếu, cổ phiếu còn hạn chế nên doanh nghiệp tiếp cận qua các thị trường này để tìm vốn còn giới hạn mà vẫn phụ thuộc vào nhiều NHTM.
Vì thế thời gian qua các NHNN tích cực huy động vốn trung và dài hạn nhưng vẫn phải đáp ứng vốn ngắn hạn cho vay tới doanh nghiệp, vay tiêu dùng cho khách hàng cá nhân, các dự án đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh lần này của NHNN rất cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường, giúp NHTM hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn cho vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân. Trên cơ sở đó có thể cải thiện tốt hơn về sức cầu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, so với trước đây, quy định lần này đưa giới hạn 60% nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn tính trên cơ sở thời hạn còn lại của nguồn vốn và tài sản, cách tính này đầy đủ hơn và đáp ứng được yêu cầu quản trị thanh khoản, quản trị cân đối giữa tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Riêng về VietinBank, hiện vốn ngắn hạn được huy động là khoảng trên 70%, trung và dài hạn 30% trong tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng.
Chúng tôi có các biện pháp quản trị trên cơ sở tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng, trên cơ sở đó để thiết kế các tài sản nợ phù hợp, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định và theo thông lệ quốc tế. Chúng tôi có thể bảo đảm việc thực hiện các tỷ lệ này theo đúng quy định.
Các ngân hàng khác cũng sẽ phải bảo đảm thực hiện theo tài sản nợ và tài sản có phù hợp để đảm bảo hoạt động của ngân hàng an toàn kiểm soát rủi ro thanh khoản, tín dụng,…
Thông tư 36 còn nhiều quy định khác, tỷ lệ dự trữ thanh khoản khoảng 10%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%, theo ông VietinBank có gặp khó khăn gì khi triển khai?
Với VietinBank, cơ bản các yêu cầu này đều thỏa mãn, thậm chí có thể ở mức độ tốt hơn. Tuy nhiên để thực hiện được các yêu cầu này để thị trường ổn định, không tạo ra biến động lớn, nếu có, thì cũng cần có lộ trình tích cực để các ngân hàng có thể hoạt động tốt, dần đi vào ổn định và phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Hồng Hải (BizLive)