Lặn ngụp trong biển thông tin
Chỉ cần gõ những cụm từ như “thị trường bất động sản”, và “thuê căn hộ” lên google, sau một vài giây, đã có hơn 1 triệu kết quả và hàng nghìn trang web liên quan đến bất động sản hiển thị. Điều này cho thấy kênh thông tin bất động sản nhiều và phong phú đến dường nào. Thế nhưng, chất lượng những kênh thông tin này vẫn là một câu hỏi lớn.
Anh P, Giám đốc marketing của một sàn tại Bình Thạnh cho biết, phần lớn các kênh này theo hướng quảng cáo, chưa quan tâm đến nhu cầu thiết thực của người xem. Khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro khi tìm hiểu thông tin để mua, bán nếu chủ đầu tư không uy tín và không cung cấp thông tin minh bạch.
Cũng theo anh P, hiện kênh thông tin bất động sản hữu ích cho người mua chưa nhiều. Thời gian qua, các dự án hoàn thiện hạ tầng (đất nền) và dự án xây xong phần thô (chung cư) đều bán khá tốt vì nhiều người mua lo ngại rủi ro với những dự án đang còn trên giấy. Tuy nhiên, vẫn có không ít chủ đầu tư đăng tin rao bán với nhiều ưu đãi, hứa hẹn khá hấp dẫn nhưng rốt cục những gì người mua nhận được là dự án bị ngưng thi công, chậm bàn giao hoặc chủ đầu tư bàn giao nhà với hiện trạng không như mong đợi.
Ngay cả với những công ty nghiên cứu bất động sản hàng đầu, thông tin nhiều lúc cũng thiếu nhất quán khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ. Chẳng hạn, theo báo cáo thị trường của Savills, quý 3/2014, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 3.280 căn hộ được bán, tăng 29% theo quý và tăng 85% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo báo cáo của CBRE, số lượng căn hộ được bán trong quý 3/2014 là 3.104 căn hộ, tăng 95,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về điều này, Giám đốc một sàn giao dịch tại quận 7 cho rằng, những báo cáo này sẽ là căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thấy được diễn biến thị trường của từng phân khúc và có chiến lược phát triển phù hợp. Tuy nhiên, đôi lúc doanh nghiệp chỉ có thể tin khi họ “mắt thấy tai nghe” và tìm hiểu thực tế để đánh giá thị trường.
“Đãi cát” tìm… thông tin
Anh Sơn, một môi giới bất động sản tại quận 7 cho rằng, giữa rất nhiều kênh thông tin bất động sản như hiện nay, nếu biết chọn lọc, môi giới cũng như người mua vẫn tìm được những kênh thông tin hữu ích. Theo chia sẻ của anh Sơn, anh thường vào trang web cafeland.vn để tìm kiếm thông tin bất động sản, còn về tin rao mua bán hay vào muabannhadat, batdongsan,… Những trang này đều cập nhật kịp thời diễn biến thị trường, thông tin, phân tích, nhận định, bảng giá, giải đáp pháp luật và những chính sách liên quan đến đất đai.
Anh Sơn cho biết thêm, không phải kênh tin tức nào cũng cập nhật thông tin chính xác và đầy đủ 100% như kỳ vọng của người đọc. Quan trọng là họ phải biết cách lựa chọn kênh thông tin để phục vụ nhu cầu tra cứu của mình. Chẳng hạn, trang web của batdongsan có lượng truy cập khá lớn từ môi giới nên môi giới ưu tiên lựa chọn để đăng tin mua bán. Còn về thông tin thị trường, chính sách đất đai thì CafeLand có thế mạnh hơn. Nội dung của CafeLand còn phản ánh khá kịp thời và chân thực thị trường thông qua những câu chuyện, sự kiện bất động sản nổi bật hàng ngày, nêu được những vướng mắc của người dân về phân chia đất đai, chính sách đền bù,
Ngoài ra, một số kênh thông tin phổ biến cũng được nhà đầu tư bất động sản khá tin cậy như InfoTV, Invest TV, VTV, VOV… với những thông tin về bất động sản được cập nhật đầy đủ hình ảnh, số liệu công khai liên quan tới pháp lý, giá cả, vị trí thực địa…
Cần những thông tin giá trị
Thiếu thông tin chính xác cộng với tâm lý đầu tư theo đám đông đã nhiều phen đẩy hàng trăm nhà đầu tư vào guồng quay “lướt sóng” đầu cơ và sau đó là “ngã ngựa” theo hệ thống. Sốt đất Ba Vì (Hà Nội) vào năm 2010 là ví dụ điển hình. Trước thông tin Trung tâm hành chính Quốc gia có thể dời về Ba Vì, người người đổ về đây buôn đất, nhiều hộ dân tại đây được dịp “đổi đời”. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng chính thức bác bỏ thông tin này thì những nhà đầu cơ ôm đất vỡ mộng.
Trường hợp đáng tiếc trên sẽ được hạn chế nếu có những kênh thông tin bất động sản theo sát thị trường và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người đọc. Theo anh P, để có một kênh thông tin bất động sản như vậy, đơn vị cung cấp thông tin phải hoạt động độc lập với các công ty bất động sản và kết hợp với các sở/ngành như Xây Dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Tài Chính, Kế hoạch & Đầu tư, cập nhật những thông tin chính xác và khách quan cho người mua bất động sản.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân, các cơ quan báo chí hoạt động trong mảng bất động sản cần tăng cường tìm hiểu thực tế thị trường. Hiện nay, đa phần kênh thông tin cập nhật tin tức dưới dạng tổng hợp, chưa đi sâu đi sát thị trường để có góc nhìn hiện thực và những con số thống kê chính xác. Ông Nhân cũng cho rằng, cơ quan thông tin cần kết hợp với Sở Xây dựng và cơ quan thuế để cập nhật tin tức thị trường một cách khách quan.
Rõ ràng, một thị trường bất động sản minh bạch và hiệu quả thì hệ thống thông tin phải được cập nhật chính xác và kịp thời. Mặc dù hiện nay đã có những kênh khá uy tín và cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc, nhưng nhìn tổng thể kênh tin tức bất động sản Việt Nam vẫn cần hoàn thiện hơn. Về phía nhà đầu tư cần biết cách chọn lọc thông tin phù hợp, trang bị kiến thức cần thiết để không bị ma trận kênh thông tin bất động sản không lành mạnh đánh lừa.
Đỗ Hương
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.