Theo nhận định từ các chuyên gia trong ngành kiến trúc, ở Việt Nam, “Kiến trúc xanh” hay “Kiến trúc bền vững” được xem như là một sự sáng tạo của các công trình kiến trúc, mang xu hướng thân thiện với môi trường. Đây là một trào lưu mới, có sức lan tỏa rộng, thu hút được sự quan tâm của các kiến trúc sư, nhà đầu tư, nhà quản lý. Vì vậy, việc phát triển xây dựng xanh hiện nay sẽ là một mục tiêu hàng đầu được đặt song hành cùng với sự phát triển của môi trường, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững của một đất nước đang phát triển như Việt Nam.
Với 8 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, hơn 4.000 di tích, thắng cảnh và hơn 120 bãi tắm nổi tiếng, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, thú vị cho những khách du lịch muốn được khám phá phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nắm bắt được tâm lý khách du lịch, nhiều khu nghỉ dưỡng của Việt Nam đã và đang hướng tới xu thế “du lịch xanh”, bằng việc áp dụng các giải pháp thiết kế bền vững, giúp tiết kiệm chi phí, giảm tác động đến môi trường và mong muốn đem lại không gian kết nối gần gũi với thiên nhiên.
Khác với những công trình thương mại gò bó trong các đô thị chật hẹp, hầu hết các khu nghỉ dưỡng đều nằm ở vị trí có điều kiện khí hậu, địa hình thuận lợi, như gần biển, sông, hồ…, nên đem lại những điểm tối ưu trong việc thiết kế để để tận dụng lượng thông gió, chiếu sáng tự nhiên.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH Tỷ lệ vàng cho rằng, không gian rộng rãi là một lợi thế của các khu nghỉ dưỡng, lợi thế này có thể tận dụng để tạo ra các không gian mở, nhằm đón ánh sáng và gió tự nhiên vào công trình. Tuy nhiên, cũng cần kết hợp giải pháp chắn nắng và làm mát bằng thông gió tự nhiên, việc làm này sẽ giúp giảm phụ tải nhiệt một cách đáng kể cho công trình.
Ngoài ra, các vật liệu tự nhiên, sẵn có ở nhiều địa phương của Việt Nam như đá, đất, tre, lá dừa… có ưu điểm là không tốn nhiều năng lượng để chế tạo như bê tông hay thép. Nếu thiết kế đảm bảo tiện nghi, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng, thì việc tận dụng những vật liệu này sẽ giảm được sự ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường, giảm khí thải nhà kính.
Đồng quan điểm trên, kiến trục sư Trần Việt Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Kiến trúc sư Trần Việt cho biết, khi người dân sống trong những đô thị vốn ngột ngạt, thì nhu cầu tìm về một không gian thư giãn, gần gũi với thiên nhiên là nhu cầu đặc biệt quan trọng trong những ngày nghỉ. Chính các vật liệu tự nhiên tại địa phương xuất hiện ngay trong không gian xanh đã tạo ra một vẻ đẹp riêng cho công trình.
“Các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam thường nằm gần những địa điểm có các vật liệu tự nhiên có sẵn của địa phương, trung bình trong khoảng 80 km, nên đó chính là lợi ích về mặt kinh tế, giúp giảm chi phí tới mức thấp nhất”, ông Tuấn chia sẻ.
Hiện nay, ở Việt Nam một số công trình nghỉ dưỡng đã tận dụng triệt lợi thế của nguồn vật liệu sẵn có ở địa phương, đơn cử như Dự án 9 Spa tại Nha Trang. Vật liệu mà Dự án này sử dụng chỉ cách công trình khoảng cách 5 km, đó là đá vôi, lá dừa nước, gỗ… Đặc biệt, gạch bông được sử dụng ở công trình dự án này chủ yếu là tấm gạch tái chế, đã qua sử dụng, nhưng vẫn tạo ra một vẻ đẹp thẩm mỹ, giá trị cao cho công trình.
Điều này đã tạo nên công trình mang một vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên và con người, đồng thời giúp cách nhiệt hiệu quả, đảm bảo sự tiện nghi cho du khách. Quan trọng hơn, nơi đây đã kết hợp được các yếu tố thiết kế thông gió của tự nhiên một cách tối đa nhất, nên dù không cần sử dụng điều hòa, vẫn tạo ra không khí mát mẻ.
Đối với các khu nghỉ dưỡng, cây xanh và thảm thực vật đóng một vai trò lớn trong việc tạo ra cảnh quan không gian thư thái, hấp dẫn du khách.
Trao đổi với PV, ông Lê Đình Sơn, Phó tổng giám đốc CTCP Tư vấn và đầu tư xây dựng Thanh Hóa, khiêm Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Thanh Hóa cho biết, để thực hiện mục tiêu thân thiện với môi trường, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới địa phương, chủ đầu tư và đội ngũ thiết kế các dự án resot cần ưu tiên xem xét, tận dụng thảm thực vật và các cây xanh ở địa phương, thay vì nhập về các cây ngoại lai đắt tiền.
Theo ông Sơn, các cây bản địa sẽ có tính thích ứng cao, ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm nước, bảo vệ sinh thái và tính bền vững cho địa phương. Trong khi các cây ngoại lai, tuy có thể tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn riêng, song tốn nhiều công chăm sóc và khó thích ứng với thổ nhưỡng và có thể gây ra các hiện tượng xói mòn đất đai, hay gây ra hiện tượng sa mạc hóa…
Đồng quan điểm, bà Trần Bình Minh, chuyên gia quản lý Dự án cơ sở dữ liệu và mạng lưới công trình xanh Việt Nam (E4G) cho biết thêm, tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), hiện nay, mỗi ngày đất tại bờ biển Cửa Đại bị xâm thực từ 1 – 2 m. Vì vậy, nếu không có giải pháp khắc phục, không bao lâu nữa, phố cổ Hội An có thể sẽ biến mất.
Theo bà Minh, nguyên nhân của tình trạng trên là vì, trong quá trình khai thác du lịch, con người nhiều khi chưa biết tôn trọng tự nhiên, chưa thấu hiểu làm sao để có thể sống hài hòa với thiên nhiên.
“Việc phá bỏ toàn bộ thảm thực vật, cây cỏ địa phương có chức năng chống xói mòn, sa mạc hóa từ bao lâu nay cho vùng đất này để thay thế bằng các cây ngoại lai, tạo cảnh quan đẹp mắt, nhưng rất tốn nước, tốn công chăm sóc là một sự can thiệp ‘thô bạo’, sớm muộn gì chính chúng ta cũng phải trả giá cho điều này”, bà Minh bức xúc và cho biết thêm, tại Đà Nẵng, khi có những trận bão cát đổ về, có thể thấy, tại các khu nghỉ dưỡng được thiết kế và sử dụng cây ngoại lai, gần như toàn bộ thảm thực vật bị bóc đi do không chống chọi được. Trong khi đó, những vườn cây sử dụng cây bản địa vẫn giữ lại được mầu xanh và chống sa mạc hóa rất tốt.
“Đây chính là một vấn đề mà các kiến trúc sư và chủ đầu tư cần xem xét đầy đủ để làm sao có thể tạo ra vẻ đẹp, thu hút khách du lịch, mà không gây hại cho môi trường”, bà Minh chia sẻ.
Nguyễn Hải (Đầu tư Chứng khoán)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.