Nhà hàng Triều Tiên hút khách Sài Gòn

Sau hơn chục năm làm việc với đối tác, ông Trung, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu đã quyết định mở nhà hàng truyền thống của Triều Tiên tại Việt Nam từ năm 2011. 

“Nhiều lần sang gặp đối tác Triều Tiên, tôi thấy nét văn hóa nơi đây khá đặc sắc và thầm nghĩ sẽ mang một mô hình này về Việt Nam để kinh doanh. Cũng chính lúc ấy, tôi có duyên gặp một đối tác đang có ý định quảng bá văn hóa Triều Tiên ra thế giới nên ý tưởng đã hình thành từ đây”, ông Trung nói.

Sau khi thỏa thuận hợp tác thành công, ông Trung bắt đầu mở nhà hàng đầu tiên tại đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy (Hà Nội) với 7 tầng. Mặc dù không tiết lộ số vốn đầu tư cũng như chi phí nhưng ông Trung cho hay, phía ông chịu trách nhiệm quản lý và đầu tư địa điểm. Còn phía Triều Tiên lo phần nhân sự.

tt.jpg

Các cô gái Triều Tiên trong trang phục truyền thống đứng đón khách.

Toàn bộ các nhân viên phục vụ cũng như đầu bếp ở đây đều là người Triều Tiên. Theo ông Trung, đa số nhân viên ăn mặc theo phong cách truyền thống. Không gian bên trong cũng được thiết kế mang đậm màu sắc dân tộc Triều Tiên với các bức họa về con người, cảnh sắc.

Ngoài phục vụ ăn uống, tại nhà hàng này còn tổ chức các chương trình ca, múa nhạc Triều Tiên. Bên cạnh thể hiện bài hát bằng tiếng nước mình, các cô gái tại đây còn biết thể hiện các ca khúc tiếng Việt. Thậm chí, khách có thể giao lưu “hát cho nhau nghe” ngay tại nhà hàng. Giá các món ăn nơi đây dao động  200.000-600.000 đồng một món.

Mặc dù nằm ở vị trí khá bắt mắt, tuy nhiên, theo ông Trung việc kinh doanh nhà hàng tại Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi lẽ, khách Triều Tiên cũng như Hàn Quốc tại Hà Nội không nhiều, mỗi ngày chỉ có khoảng 60-100 lượt khách ghé.

Trong khi đó, tại Sài Gòn chưa có một nhà hàng nào mang đậm bản sắc văn hóa Triều Tiên. Do vậy, thay vì mở rộng mạng lưới ở Hà Nội ông Trung quyết định chọn TP HCM làm điểm đầu tư. Bỏ công khảo sát cả nửa năm trời về nhu cầu khách hàng, đến đầu năm 2014 nhà hàng Triều Tiên tọa lạc trên đường Lê Quý Đôn (quận 3) TP HCM đã được xây dựng và đi vào hoạt động, dù giá thuê mặt bằng nơi đây thuộc hàng đắt đỏ. Nhà hàng có sức chứa khoảng 300 người, với 4 tầng.

lqd-JPG.jpg

Hình ảnh nhà hàng Triều Tiên tại TP HCM.

Ông Trung kể, ban đầu do thử nghiệm nên số lượng nhân viên phục vụ chỉ được vài người. Khách đến cũng hay phàn nàn về cung cách phục vụ. 3 tháng đầu lượng khách chỉ vài chục người mỗi ngày

“Thấy khách ít tôi khá lo lắng, tuy nhiên, nhờ những khách quen đến ăn và truyền tai nhau nên vài tháng sau lượng khách đã tăng lên đáng kể, bình quân 150-250 người một ngày”, ông Trung chia sẻ.

Qua nửa năm kinh doanh, ông Trung nhận xét thị trường miền Nam có nhiều tiềm năng hơn so với Hà Nội. Bởi lẽ, nơi đây không chỉ lượng khách ngoại quốc lớn mà ngay cả người Việt ở Sài Gòn cũng dễ tiếp cận những mô hình mới hơn so với Hà Nội. Người Sài Gòn cũng không quá cầu kỳ trong cách ăn uống. Nếu không hài lòng về cung cách phục vụ, họ sẵn sàng góp ý để quán sửa đổi.

“Chính sự năng động của thị trường Sài Gòn đã ngày càng hấp dẫn tôi. Mặc dù phải quản lý từ xa, nhưng thời gian tới, nếu nhu cầu khách tăng cao công ty sẽ tiếp tục mở thêm  hệ thống tại quận 7”, ông Trung nói.

Hiện nay, nhân sự tại nhà hàng ở Sài Gòn là 16 người, toàn bộ là người Triều Tiên. Ngoài mức lương thỏa thuận được hưởng, họ còn được lo ăn, ở. Vì phải quản lý nhà hàng ở Hà Nội nên ông Trung thường xuyên phải trao đổi công việc qua điện thoại với nhân viên cũng như quản lý nhà hàng. Thông thường, 1-2 tháng ông bay từ Hà Nội vào Sài Gòn một lần để nắm bắt tình hình kinh doanh.

Chia sẻ thêm về nét đặc sắc của nhà hàng này, ông Trung cho biết, hầu hết những người phục vụ đều được tuyển chọn khắt khe từ phía Triều Tiên. Họ không chỉ là nhân viên phục vụ mà còn là nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp. Ngoài ca hát, họ còn chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Triều Tiên và một số loại khác như guitar, trống, violin, organ hay kaya gưm. Riêng đàn kaya gưm không phải ai cũng có thể chơi mà phải dày công tập luyện vài năm mới có thể dử dụng. Cây đàn này khá giống đàn tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, dây đàn kaya gưm làm bằng tơ, to gấp10 lần dây đàn tranh và khi biểu diễn thì dùng tay không.

Còn đối với thực phẩm, ông Trung cho hay toàn bộ nguyên liệu thực phẩm, nồi và một số bát đĩa đặc trưng đều nhập trực tiếp từ Triều Tiên. Chỉ có một ít gia vị có thể sử dụng của Việt Nam.

Hiện món cá Myong Tea và ốc Sara là những món ăn đậm nét văn hóa đất nước này tại nhà hàng. Cá Myong Tea là loại cá hiếm, sống ở vùng biển lạnh tới âm 40 độ C. Những món ăn này không chỉ người Triều Tiên mà khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore cũng ưa thích.

Hồng Châu

Để lại một bình luận

0913.756.339