Ào ạt thâu tóm cao ốc vàng
Làn sóng nhà đầu tư ngoại thâu tóm các cao ốc có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TPHCM bắt đầu rộ lên từ nửa cuối năm 2014 và đến năm 2015 xu hướng này càng trở nên rõ rệt. Đầu tiên có thể kể đến thương vụ đình đám khi ông lớn Lotte của Hàn Quốc tiến vào thị trường TPHCM thâu tóm Diamond Plaza, tiến sâu thêm một bước nữa trong lĩnh vực BĐS cao cấp và hiện thực hóa tham vọng sở hữu chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) đẳng cấp nhất Việt Nam.
Không hề kém cạnh, toàn bộ dự án Flora Anh Đào (TPHCM) cũng được 2 công ty đến từ Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad bắt tay với Công ty Nam Long để mua lại với tổng chi phí phát triển dự án khoảng 500 tỷ đồng.
Còn tại phía Bắc, Indochina Land cũng vừa công bố việc chuyển nhượng thành công một loạt dự án cho một quỹ đầu tư thuộc Gaw Capital Partners – một đơn vị quản lý quỹ trong khu vực có trụ sở tại Hồng Công. Trong số các dự án chuyển nhượng có Indochina Plaza Hanoi – một trong những dự án đẳng cấp của thủ đô. Ngoài ra còn có Hyatt Regency Danang và 2 dự án đang phát triển khác tại Quảng Nam và TPHCM.
Hay mới đây nhất, tòa nhà cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm này Keangnam Landmark tại Hà Nội cũng có nguy cơ sẽ sang tay cho một ông chủ khác sau khi tòa án Seoul cho phép Keangnam chuyển nhượng để trả nợ. Mức giá của tòa nhà này ước tính lên tới khoảng 770 triệu USD.
Theo các chuyên gia BĐS, có rất nhiều lý do để các đại gia ngoại ào ạt thâu tóm các cao ốc có vị trí đắc địa tại Việt Nam từ nửa cuối 2014 đến nay. Giám đốc điều hành của Savills Việt Nam, Neil MacGregor đánh giá trong khi Việt Nam đang cán đáy của chu kỳ BĐS, nhiều thị trường khác tại châu Á lại nằm trên đỉnh của chu kỳ.
Dự đoán vài năm tới triển vọng phục hồi của thị trường khiến Việt Nam trở thành điểm thu hút lượng nhà đầu tư khá lớn, đặc biệt ở phân khúc khách sạn và văn phòng. Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam, cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc mua lại một dự án đã hoạt động có nguồn thu thông qua M&A doanh nghiệp là một hình thức khôn ngoan. Theo đó, những BĐS đã tạo ra dòng tiền, có giá trị thực và lợi thế trong tương lai sẽ được chọn lựa.
Một lý do khác nữa cũng rất dễ thấy đó là sức hút từ việc Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi được thông qua từ tháng 7-2014. Việc người nước ngoài và Việt kiều không chỉ được sở hữu nhà ở mà còn được phép kinh doanh ở một số nội dung đã khiến phân khúc cao cấp có một sức hút đặc biệt. Do đó, việc sinh lời từ các thương vụ M&A BĐS sẽ trở nên sáng giá hơn rất nhiều.
Căn hộ cao cấp đắt khách
Cảnh báo trục lợi gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng
“Lách” hợp đồng mua bán
Gần đây, trên một số trang mạng bất động sản (BĐS) xuất hiện nhiều tin quảng bá bán căn hộ cao cấp Park View Residence (Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) được hỗ trợ vay gói 30.000 tỷ đồng.
Ngoài các cao ốc được các đại gia ưu ái, phân khúc BĐS cao cấp cũng được các nhà đầu tư nhỏ lẻ đến từ nước ngoài bắt đầu chú ý. Mặc dù chưa thể có đánh giá chính xác bởi còn vài tuần nữa mới chính thức đến thời điểm người nước ngoài, Việt kiều được rộng mở để sở hữu nhà ở, tuy nhiên theo nhận định của các công ty chuyên về dịch vụ BĐS, một số dự án BĐS cao cấp, có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TPHCM đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đánh giá của Savills Việt Nam cho thấy hiện nhiều người nước ngoài đang háo hức, chuẩn bị tiền để mua nhà, nhất là các chuyên gia Singapore, quốc gia dẫn đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TPHCM. Kế đến là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, nhu cầu thuê lại căn hộ cao cấp cũng có dấu hiệu nóng từng ngày. Theo một đơn vị môi giới, giá thuê căn hộ tại một trong những tòa nhà cao nhất TPHCM hiện nay có thể lên tới 36-42USD/m2/tháng – một mức giá trong mơ nếu so với nhiều năm trước.
Dự án Flora Anh Đào (TPHCM) được 2 công ty đến từ Nhật Bản
mua lại khoảng 500 tỷ đồng.
Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng cho thấy trong tháng 5/2015, tại TPHCM có khoảng 1.600 giao dịch nhà đất thành công, tăng gần 6% so với tháng trước. Ước trong tháng 6 này sẽ có khoảng 1.700 giao dịch thành công. Còn tại Hà Nội, trong tháng 5 có khoảng 1.650 giao dịch thành công và ước tính trong tháng 6 sẽ có khoảng 1.750 giao dịch thành công.
Sức nóng này trong bối cảnh người nước ngoài hay Việt kiều muốn sở hữu một ngôi nhà thứ 2 tại Việt Nam để thuận tiện cho việc nghỉ ngơi hay làm việc đang tăng lên, được đánh giá sẽ tạo nên một động lực lớn cho thị trường BĐS. “Nếu chúng ta thực hiện được sự ổn định về mặt pháp lý, rõ ràng về dài hạn đây là một thị trường rất tiềm năng” – GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Theo Báo Sài Gòn Đầu Tư