Đứng trước nguy cơ mất nhà vì quyết tâm tự kinh doanh

Sinh ra trong một gia đình đông con ở miền quê, từ năm 10 tuổi, tôi đã quen với việc đi bộ từ 4h sáng, bưng theo một mâm rau các loại hái trong vườn nhà theo hàng xóm ra chợ bán đến 6h. Sau đó bắt đầu về tắm rửa để chuẩn bị đi học.

Ba, má và các anh chị tôi mỗi người một việc đều bắt đầu ngày mới từ 3,4h sáng. Chính vì cần mẫn làm việc mà gia đình tôi tuy đông con nhưng luôn đủ ăn, không bị đói rách.

Bạn khởi nghiệp thành công hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh, hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình tại đây hoặc email về kinhdoanh@vnexpress.net.

Tuy nhiên, vì làm nông nên cũng không giàu có như những gia đình kinh doanh trong làng. Hết năm lớp 12, tôi khăn gói lên Sài Gòn học đại học. Học xong, tôi đi làm thuê một thời gian, sau đó có chồng, sinh con.

Vì từ nhỏ đã ra chợ mua bán, nên sau khi sinh, tôi lựa chọn việc tự kinh doanh cho tiện chăm con. Với số vốn ít ỏi của hai vợ chồng khoảng 100 triệu đồng, năm 2005, tôi cùng với người bạn lập ra công ty cung cấp văn phòng phẩm. Công việc làm ăn khá trôi chảy trong thời gian đầu, nhưng lợi nhuận cũng chỉ vừa đủ trang trải chi phí và cuộc sống.

20141117161325-kn2_1421051210.jpg

Chặng đường dài kinh doanh là phải cực kỳ kiên trì. Không được nãn bất cứ trường hợp nào, là kinh nghiệm đúc kết của chị Dương Thanh Thảo.

Được khoảng 3 năm, đến năm 2008 kinh tế suy thoái, công việc làm ăn của tôi bắt đầu khó khăn. Hoạt động của công ty kéo dài thêm khoảng 3 năm thì rơi vào bế tắc. Tôi thông báo giải thể công ty, tiền thanh lý hàng hóa vừa đủ để trả nợ nhà cung cấp và lương nhân viên. Tất cả mọi thứ được giải quyết xong và trong túi tôi không còn đến một xu vốn.

May mắn cho tôi là trong thời gian kinh doanh văn phòng phẩm, chồng vẫn đi làm thuê và đã mua được nhà và xe hơi. Tuy nhiên, ngay thời điểm giải thể công ty thì chồng tôi cũng nghĩ việc được vài tháng. Ngoài căn nhà và chiếc xe ra thì tiền mặt chúng tôi hoàn toàn không có.

Vợ chồng tôi vẫn quyết tâm tiếp tục kinh doanh gạo. Tôi bắt đầu tìm hiểu về thị trường gạo tại TP HCM. Một ngành kinh doanh có từ rất lâu đời nhưng đến nay vẫn còn rất sơ khai và tạp nham. Trên thị trường gần như không có một thương hiệu gạo lớn nào có thể sống nổi.

Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2011, vợ chồng bàn tính bán chiếc xe Chevolet 5 chỗ được khoảng hơn 400 triệu đồng lập cửa hàng gạo chuẩn. Thời gian đầu, công việc khá trôi chảy. Các cửa hàng gạo gần khu vực cũng muốn chúng tôi làm theo kiểu nhượng quyền thương hiệu. Chỉ trong vòng 5 tháng từ lúc thành lập, vợ chồng tôi đã nhựơng quyền được 20 cửa hàng khác trên toàn thành phố.

Nhưng cuộc đời không cho ai tất cả khi đây cũng là lúc rắc rối bắt đầu xuất hiện. Chất lượng gạo từ các nhà máy đưa lên không đồng đều do yếu tố chủ quan con người cũng có, mà khách quan mùa vụ hoặc vùng miền cũng có, trong khi giá cả thì luôn cao hơn thị trường. Thế là chỉ trong vòng một năm, vợ chồng suốt ngày phải đi giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Trong khi đó, chúng tôi lại quá non nghề nên việc kiểm soát chất lượng là ngoài tầm tay. Dần dần, khách hàng cũng quay lưng lại với chúng tôi. Việc kinh doanh ngày càng khó khăn, và một năm sau đó thì toàn bộ vốn liếng đã mất hết. Thế là chúng tôi phải thế chấp căn nhà để lấy vốn làm tiếp.

Mặc dù vợ chồng tôi thấy rõ điểm yếu của mình ở đâu nhưng do ngành gạo không có một trường lớp nào dạy về kiểm tra chất lượng mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Chúng tôi quyết định tạm dừng bán gạo thương hiệu và xoay qua bán hàng xá không thương hiệu. Việc buôn bán này kéo dài được một năm nhưng trong thời gian này chúng tôi gần như bế tắc vì không thể cạnh tranh được với những đầu mối lớn đã có thâm niên vài chục năm trong nghề.

Cuối cùng, số vốn từ việc thế chấp nhà cũng dần cạn kiệt. Mặt khác, do công việc kinh doanh không thuận lợi, hai vợ chồng trở nên bất đồng với nhau trong mọi vấn đề. Có nhiều lúc tôi như muốn tự tử vì quá bế tắc. Gia đình hai bên nội ngoại thấy vậy đều khuyên chúng tôi ngưng kinh doanh và đi làm lại.

Sau đó, chồng tôi cũng quyết định đi làm lại cho một công ty, còn tôi vẫn tiếp tục kinh doanh gạo. Tôi bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm toàn bộ những chi phí không cần thiết và tính toán kỹ từng bước một. Trước đó, do đã có 3 năm kinh doanh gạo nên giờ tôi cũng có một số kinh nghiệm trong quản lý chất lượng gạo mua vào, cộng với những kỹ năng bán hàng được học thời đại học và quá trình đi làm ở các công ty đa quốc gia. Dần dần, công ty tôi xâm nhập được hệ thống cửa hàng và đại lý gạo kể cả kênh bán gạo truyền thống và hiện đại. Bên cạnh chiến lược lâu dài là xây dựng thương hiệu gạo thì tôi cũng buôn chuyến để có tiền chi phí ngắn hạn. Giai đoạn này, mỗi tháng doanh thu của công ty cũng đạt khoảng hơn 300 triệu đồng.

Đến nay, có thể nói là công ty gạo của tôi đã qua giai đoạn sóng gió và bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển. Gạo thương hiệu cũng như gạo lô được bán đi khắp các quận của thành phố, thậm chí hàng cũng được đưa ra các tỉnh miền đông nam bộ. Hiện tại, trung bình doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi tháng.

Đặc biệt, mùa Tết này, công ty tôi được thu mua gần như “độc quyền” loại lúa thơm Sóc Trăng. Loại lúa này được trồng xen canh với lúa tôm – đây là hình thức canh tác cho ra sản phẩm an toàn cho người dùng và người canh tác. Vì thế công việc kinh doanh lại càng thuận lợi hơn. Chỉ trong hơn chục ngày đầu tháng 1/2015, doanh thu đã vượt hơn 1,5 tỷ đồng nhờ loại gạo thơm ông Thọ Tết (lấy từ giống lúa thơm Sóc Trăng).

Con đường kinh doanh của tôi còn dài phía trước nhưng dù gì chúng tôi cũng đã có được những nấc thang đi lên sau những sóng gió. Và một điều tôi rút ra sau chặng đường dài kinh doanh là chúng ta phải cực kỳ kiên trì, không được nản bất cứ trường hợp nào. Ngã xuống phải tự đứng dậy đi tiếp dù có ngã lần thứ mấy cũng phải đứng dậy. Và luôn nhớ rằng những lần ngã đó là nền tảng để thành công cho sau này.

Dương Thanh Thảo

Để lại một bình luận

0913.756.339