Doanh nghiệp gần 2 năm liền doanh thu thuần bằng 0

Điển hình là Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (Mã CK: PVR). Báo cáo tài chính quý III của doanh nghiệp này cho thấy, không chỉ quý III mà 9 tháng đầu năm nay hạng mục doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của đơn vị này bằng 0.

Đáng chú ý là tình trạng không có doanh thu thuần của PVR kéo dài từ năm 2013 đến nay. Như vậy, trong gần 2 năm, công ty này không hề ghi nhận khoản doanh thu cũng như lợi nhuận nào từ hoạt động kinh doanh chính.

dk-9937-1415269148.jpg

Tình trạng không có doanh thu thuần của PVR kéo dài từ năm 2013 đến nay. Ảnh: PVN.

Quý III năm nay, mặc dù công ty có ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính là 43,5 triệu đồng, thế nhưng, chi phí lãi vay cao hơn 2 lần và lên tới 102,1 triệu đồng. Cho nên, quý III, công ty lỗ sau thuế 1,9 tỷ đồng. Tài sản của công ty giảm sút mạnh, giá trị tổng tài sản cuối quý III giảm 34%, còn 1.053 tỷ đồng. Thuyết minh tài chính cho biết khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty là tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới một năm.

Ở phần nguồn vốn, mục phải trả, phải nộp khác (ngắn hạn) của PVR giảm 56,4%, từ 954 tỷ đồng xuống còn 416 tỷ đồng. Điều này dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty này.

Tuy nhiên, đơn vị cho biết họ vẫn đang hoạt động liên tục và  không có ý định ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô.

Cũng kinh doanh kém hiệu quả, quý III của Công ty cổ phần đầu tư PV2 (Mã CK: PV2) không có doanh thu thuần. Báo cáo quý III của doanh nghiệp này cho thấy, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ bằng 0, trong khi cùng kỳ năm trước đơn vị đạt 341,8 triệu đồng. Mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp này cao hơn cùng kỳ năm ngoái, hay thu nhập khác ghi nhận 5,9 tỷ đồng nhưng con số này cũng chưa đủ để bù đắp vào chi phí quản lý doanh nghiệp. Do đó, quý III công ty lỗ sau thuế 108,5 triệu đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh, ông Trần Ngọc Mạnh, Tổng giám đốc công ty cho hay, nguyên nhân là vì doanh nghiệp không triển khai các hoạt động kinh doanh mới, chủ yếu tập trung vào công tác thu hồi nợ đọng và bảo tồn nguồn vốn.

Sa sút không kém 2 doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Sara Việt Nam (Mã CK: SRA), báo cáo tài chính quý III cũng không hề phát sinh doanh thu. Theo đó, trong quý này công ty lỗ 239 triệu đồng.

Bên cạnh những doanh nghiệp không có doanh thu quý III, cũng còn khá nhiều đơn vị có ghi nhận nhưng kết quả không đáng kể. Thêm vào đó, doanh thu từ những hoạt động khác dường như lấn át, thậm chí còn giúp đơn vị cầm cự trong lúc khó khăn.

Điển hình là Công ty cổ phần tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Mã CK: HQC). Báo cáo tài chính quý III của công ty cho thấy, doanh thu thuần quý III  chỉ 2,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng, giảm 97% so với cùng kỳ. Trong khi, mảng bất động sản chủ lực của đơn vị này chỉ đạt vỏn vẹn 139 triệu đồng, không bằng giá trị một căn hộ. Tuy nhiên, khoản doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty lại tăng 152% so với cùng kỳ là 26,2 tỷ đồng. Nhờ hạng mục này, địa ốc Hoàng Quân đã thu về được khoản lợi nhuận sau thuế quý III là 5,5 tỷ đồng, nhưng giảm 64% so với cùng kỳ. Tính đến 30/9, hàng tồn kho của đơn vị này là 900,7 tỷ đồng.

Lý giải lợi nhuận giảm, địa ốc Hoàng Quân cho biết do công ty chuyển hướng kinh doanh dự án nhà ở xã hội. Một số dự án đang trong giai đoạn đầu tư nên sẽ bàn giao cho khách hàng và ghi nhận doanh thu vào cuối 2014, 2015 và các năm tiếp theo.

Cũng tương tự Hoàng Quân, một trường hợp gây chú  ý khác trên thị trường là Công ty cổ phần thủy hải sản Việt Nhật (VNH). Quý III năm nay, doanh thu thuần chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là  47,6 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán của đơn vị này vẫn ở mức cao là 36,2 tỷ đồng. Tính đến 30/9, hàng tồn kho của công ty 35,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 37 tỷ đồng. Không có đơn hàng xuất khẩu là nguyên nhân chính khiến đơn vị gần như không có doanh thu quý III.

Ngoài những đơn vị trên, thống kê của VnExpress.net về hoạt động kinh doanh quý III của hầu hết các doanh nghiệp trên 2 sàn chứng khoán cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp có khoản lãi đột biến chưa tới 1%; khoảng 20% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ; gần 50% có lợi nhuận ở mức ổn định; hơn 25% còn lại giảm lãi và thậm chí lỗ, trong đó có cả một số doanh nghiệp nằm trong top dẫn đầu. 

Trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay, có thể một số dự án của doanh nghiệp đang trong quá trình dở dang nên chờ hạch toán một lần vào cuối năm. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp gần 2 năm không phát sinh doanh thu bán hàng thì cần xem lại khả năng hoạt động liên tục của họ. Tình trạng này cho thấy doanh nghiệp đang hết sức khó khăn và trong thế cầm cự.

Đối với những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng nên thận trọng, thăm dò bước đi tiếp theo của công ty, không nên nóng vội “bán đổ bán tháo” cổ phiếu vì lúc này giá thấp khó lấy lại vốn mà thậm chí còn lỗ.

Riêng đối với doanh nghiệp, để tiếp tục “sống” được trên thị trường, các đơn vị này cần tái cấu trúc, định hình lại chiến lược kinh doanh và có thể tìm thêm cổ đông chiến lược mới để giúp công ty vực lại hoạt động kinh doanh.

Đánh giá chung về bức tranh kinh tế quý III, ông Lực nhận định kém sáng sủa hơn quý II. Bởi lẽ, trong năm, quý này thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, môi trường và không phải là những tháng kinh doanh tốt, trừ một số nhóm ngành như tiêu dùng, du lịch. Đây cũng là quý doanh nghiệp khó chốt được hợp đồng cũng như triển khai các dự án chậm.

Hồng Châu

Để lại một bình luận

0913.756.339