Dư luận hoài nghi về những việc làm khuất tất, liều lĩnh, coi thường pháp luật, coi thường nhân dân của các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ xung quanh câu chuyện này.
Băm nát “miếng bánh”
Không lo ngại sao được khi mà hỏi những người trúng đấu giá rằng, đất được giao ở vị trí nào thì họ chỉ tay trên bản đồ chứ thực địa không biết nó nằm tại đâu. Vì nơi đã đấu giá hiện tại chỉ là bãi cỏ hoang, đồng nước mênh mông. Chuyện thật như đùa nhưng rõ ràng, những cán bộ liên quan ở địa phương này là quá liều lĩnh.
Việc bắt đầu từ ngày 19/9/2006, ông Nguyễn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản gửi các Sở: Kế hoạch – Đầu tư, Xây dựng, Tài chính và UBND TP Việt Trì về việc “Đồng ý chủ trương cho lập DA đầu tư xây dựng đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ C10 đến QL2)”.
Ngay sau đó, các ngành và TP đã vào cuộc để DA sớm được triển khai. Ngày 2/7/2007, UBND tỉnh Phú Thọ có QĐ số 1604 phê duyệt DA đầu tư xây dựng đường và hạ tầng 2 bên đường Nguyễn Tất Thành (đoạn C10 đến KĐT mới Bắc Việt Trì).
Theo đó, đường Nguyễn Tất Thành là DA trọng điểm của tỉnh và TP Việt Trì. DA được thực hiện theo phương án đổi đất lấy hạ tầng. Tổng mức đầu tư của DA được duyệt là 691.691 triệu đồng; tổng diện tích thu hồi đất 76,71ha; tổng diện tích quy hoạch 74,33ha.
Từ 13/10/2008 đến 22/11/2012, TP Việt Trì đã ban hành 1.498 QĐ thu hồi chi tiết đến từng hộ gia đình cá nhân của 2.239 thửa đất với tổng diện tích đất 415.046 m2, đạt 72,33%. Cùng thời gian này, TP Việt Trì tiến hành bồi thường, GPMB và thi công phạm vi con đường Nguyễn Tất Thành.
Đến 2011, lòng đường, giải phân cách kỹ thuật và mương thoát nước đường Nguyễn Tất Thành đã được bàn giao đưa vào sử dụng. Các hạng mục như điện thắp sáng và vỉa hè chưa triển khai thi công do thiếu tiền. Tuy nhiên, toàn bộ đất, nhà ở liên quan đến con đường thì TP đã tiến hành bồi thường và bố trí TĐC cho các hộ dân.
Vướng mắc và cũng là tồn tại lớn nhất đối với DA này chính là việc còn một số hộ chưa chịu nhận tiền bồi thường liên quan đến khu vực hạ tầng 2 bên con đường. Đặc biệt có 164/188 lô đất được đấu giá quyền sử dụng đất khi mặt bằng chưa giải phóng xong, hạ tầng chưa được đầu tư. Nói một cách thẳng thừng là TP Việt Trì bán đất trên giấy.
Trả lời câu hỏi tại sao đến giờ mới đưa câu chuyện này ra, một cán bộ của BQL DA xây dựng công trình hạ tầng TP Việt Trì lý giải: Thực tế những năm 2010 cơn sốt đất rất lớn, trong khi nhu cầu ở của người mua đất lại không có.
Thậm chí lúc đó người ta không quan tâm đến vị trí đất trúng đấu giá của mình ở ô nào. Có người không màng đến việc làm sổ đỏ vì sợ phải đóng thuế. Đến cuối năm 2013 một số hộ có nhu cầu làm nhà để ở thì lúc đó vụ việc mới bung ra.
Khẳng định với NNVN, ông Nguyễn Văn Thấn – nguyên Trưởng BQL DA xây dựng công trình hạ tầng cho rằng căn nguyên tiến độ DA bị chậm lại và dẫn đến cơ sự này là xuất phát từ việc UBND tỉnh có QĐ thu hồi đất và giao cho 2 doanh nghiệp. Ông Thấn nói, đất được giao cho 2 DN nằm ở vị trí đẹp nhất, có giá ngon nhất trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành.
– DA này có 30 ha để làm thương mại, dịch vụ thì việc giao đất cho các DN là điều bình thường, thưa ông? – PV đặt câu hỏi.
Ông Thấn suy ngẫm một lúc, thở dài: “Đúng vậy! Nhưng khi được giao đất, Cty CP Hà Nội Marina đã hỗ trợ kinh phí ngoài phương án bồi thường được duyệt cho 9 hộ dân với mức 32 triệu đồng/sào khiến 300 hộ dân khác đã nhận tiền bức xúc, thắc mắc.
Mặt khác, tỉnh chỉ có QĐ thu hồi đất giao cho DN nhưng lại không có QĐ điều chỉnh phương án tài chính đã làm cho UBND TP Việt Trì rối bời do không còn đủ quỹ đất để đảm bảo lượng kinh phí tái đầu tư như DA đã được phê duyệt là đổi đất lấy hạ tầng”.
“Hạ tầng” 2 bên đường Nguyễn Tất Thành chưa GPMB xong nhưng đã có 164 lô đất được đấu giá
Đề cập đến vấn đề điều chỉnh phương án tài chính, ông Nguyễn Văn Thấn kể rằng: “Tôi và Chủ tịch UBND TP Việt Trì đã lên UBND tỉnh nhiều lần đề nghị nhưng lãnh đạo tỉnh bảo là phải họp mới quyết được. Các cuộc họp liên quan tôi không được tham dự. Cho đến bây giờ khi tôi rời vị trí Trưởng BQL DA xây dựng công trình hạ tầng, tiếp quản cương vị mới mà phương án điều chỉnh tài chính của DA vẫn chưa được thực hiện. Đây chính là căn nguyên sâu xa làm tắc tiến độ DA, dẫn đến những sai phạm, kiện cáo, bức xúc”. |
Ông Thấn nhấn mạnh rằng, khi tỉnh chưa giao đất cho 2 DN là Cty Marina và Cty CP Đầu tư và phát triển siêu thị Hà Nội (Hapro) thì phía TP Việt Trì tiến hành các công đoạn rất ngon lành, suôn chảy.
Tại thời điểm đó đã có hơn 1.000 hộ dân nhận tiền đền bù, chấp nhận giao đất cho DA. Nhờ đó, việc TĐC và thực hiện tuyến đường Nguyễn Tất Thành được thi công quyết liệt. Đền bù, GPMB tới đâu là thực hiện ngay các công việc tới đó.
“Trong khi chỉ còn 21 hộ dân và một số thửa chưa xác định được chủ đất thì “bỗng dưng” UBND tỉnh có QĐ thu hồi và giao đất cho 2 DN nói trên. Nếu không vướng phải 2 DN này, tôi đảm bảo đến bây giờ DA đã được hoàn tất một cách tốt đẹp cả rồi” – ông Thấn khẳng định chắc nịch.
Tiếp xúc với một số người có liên quan thì hầu hết đều có ý kiến giống với ông Thấn. Nhiều người cho rằng, tỉnh đã làm khó và đánh đố TP.
Tại cả đôi bên
Nhưng công bằng mà nói, ngoài những việc TP đã làm được đối với DA này thì chính lãnh đạo UBND TP Việt Trì và các phòng ban, cán bộ tham mưu liên quan đều mắc phải những sai sót rất lớn.
Chẳng hạn, các phương án bồi thường được phê duyệt từ đợt 1 đến đợt 46 thì hội đồng bồi thường, hỗ trợ TĐC TP và phường Vân Phú chưa thực hiện việc lấy ý kiến, niêm yết công khai gửi dự toán kinh phí tới từng hộ dân.
Lòng đường Nguyễn Tất Thành (đoạn C10 đến KĐT Bắc Việt Trì) đưa vào sử dụng năm 2011
Mặt khác, năm 2010, UBND TP Việt Trì thực hiện đấu giá 164 ô đất khi chưa đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5, Quyết định 216 ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Điều 5, Quyết định 877 ngày 29/3/2006 của UBND tỉnh Phú Thọ quy định “Điều kiện về các thửa đất được tổ chức đấu giá” do đất chưa được GPMB, chưa có hạ tầng hoàn chỉnh.
Hiện số tiền trúng đấu giá của các lô đất đã được TP Việt Trì đưa vào ngân sách và tiêu hết. Về DA thì đã giải ngân được 300 tỷ đồng cho các hạng mục liên quan đến con đường và bồi thường GPMB. |
Đặc biệt, UBND TP Việt Trì ban hành một số QĐ thu hồi đất chi tiết đến từng hộ dân sau khi đã đấu giá quyền sử dụng đất là chưa thực hiện đúng trình tự và quy định tại Điều 31, Luật Đất đai năm 2003.
Và trong 53 trường hợp đã được cấp giấy CNQSDĐ thì có 29 trường hợp được cấp giấy khi chưa có biên bản giao đất tại thực địa là chưa đúng với quy định tại Điều 13, QĐ 877 của UBND tỉnh.
Ngoài ra, TP Việt Trì chưa tổ chức công bố công khai quy hoạch tại thực địa (quy định tại Điều 53, Luật Quy hoạch Đô thị – QHĐT); chưa tổ chức cắm mốc giới theo quy hoạch (Điều 57, Luật QHĐT); chưa ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch được duyệt (khoản 3, Điều 44, Luật QHĐT); chưa xin ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh (cụ thể ở đây là Sở Xây dựng quy định tại khoản 4, Điều 44, Luật QHĐT).
Không chỉ có UBND TP Việt Trì có những việc làm quan liêu, thiếu minh bạch mà nội tại các cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND tỉnh như Sở Xây dựng và Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ cũng phải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề này.
Cụ thể, đối với Sở Xây dựng, việc thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch giao đất cho Cty CP Hà Nội Marina còn trùng lên đất đã giao cho Cty TNHH Bình Minh đến 1.527 m2, mãi 3 tháng sau mới có QĐ điều chỉnh. Đây là việc làm tắc trách của Sở Xây dựng.
Đối với Sở TN-MT đã không chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện những sai sót để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo TP chấn chỉnh, khắc phục. Quá trình thẩm định hồ sơ tham mưu cho UBND tỉnh có việc còn chưa chặt chẽ như việc xác định loại đất, lập biên bản giao mốc giới.
Đặc biệt là thẩm định tham mưu cho UBND tỉnh giao đất cho Cty Marina và Cty CP Đầu tư và phát triển siêu thị Hà Nội khi chưa thực hiện xong thu hồi đất, bồi thường cho nhân dân theo quy định. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự thắc mắc của người dân.
Văn Hùng (Nông Nghiệp VN)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.