Tình cảnh không việc làm, sống nhờ tiền bồi thường giải tỏa, kéo dài đã hai năm bốn tháng, ám ảnh hơn 140 hộ dân làng Vân, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Họ được di dời từ làng Vân (nơi cư ngụ của nhiều bà con bị bệnh phong) dưới chân đèo Hải Vân vào đây đã hơn hai năm để nhường đất cho thành phố làm khu du lịch sinh thái. Khu du lịch đó không biết bao giờ mới khởi công, còn họ thì “ngồi ăn mòn tiền”. Trong số các hộ trên, có khoảng 70 hộ được ở nhà tái định cư (theo bốc thăm); số còn lại gần 80 hộ chỉ được cấp đất trên giấy, ở nhà do Nhà nước thuê với điều kiện họ phải nhận đất, không được thay đổi điều kiện.
Bà Mai Thị Thối (đứng): Ở đây làm nghề “đong ri”
Điều mà các hộ dân bức xúc là lời hứa giải quyết việc làm cho dân đã không được thực hiện. Ông Nguyễn Lên, tổ 14, nói: “Nhà tôi có bốn đứa con trai, hai đứa đang học, hai đứa không có việc làm. Trước khi vào, lãnh đạo cấp trên hứa tạo việc làm, nhưng ôm đơn đi xin, không nơi nào nhận. Con tôi là Nguyễn Tấn Thái, vừa cưới vợ, ở chung với cha mẹ, vợ chồng nó cũng không nghề nghiệp, sống bám chúng tôi. Họ hứa đủ thứ, hứa đến bao giờ?”.
Chưa hết, những hộ được cấp nhà lại không được cấp sổ đỏ. Ông Nguyễn Thanh Tú, tổ trưởng tổ 14, phàn nàn: “Tôi làm hai đơn kiến nghị rồi, chẳng ai giải quyết. Đời tôi, đời con chúng tôi là con nợ. Đó anh coi, tất cả nhà ở đây, hơn hai năm rồi không được cấp sổ đỏ, mà lúc chuẩn bị di dời mấy ổng nói 45 ngày sau thì có sổ. Vừa rồi, ngày 10/12, quận và thành phố về đây họp, hứa nhanh nhất đến tháng 1/2015 là cấp sổ. Tại sao lâu nay không cấp, để bà con giải quyết nhà cửa, giờ hết năm rồi, ai tin được”.
Ông Lên bức xúc: “Như tôi đây, giờ không có đồng bạc. Tôi được bồi thường 1.300m2 đất, trong đó hơn 730m2 đất ở, nhưng chỉ được 129 triệu, họ cấp cho một lô đất 72m2 ở đây, hết. Chừng đó tiền, vợ chồng không có việc làm, con cái đi học, hơn hai năm qua, tiền đâu mà còn, rồi tiền điện, nước, quỹ này nọ… Lãnh đạo hứa chuyển đổi ngành nghề, chẳng thấy đâu. Đất tái định cư cho dân, còn 80 hộ chưa được bố trí, chỉ thấy trên giấy. Nếu tôi mua một lô đất ít nhất 100 triệu, tôi chỉ còn 29 triệu tiền bồi thường, thì lấy chi ăn, xây nhà? Đời tôi, đời con tôi không phải con nợ, là chi? Khi còn ở làng Vân, chúng tôi yêu cầu làm sổ đỏ, mấy năm liền chẳng ai làm, đến khi giải tỏa thì họ nói đất tụi tôi không có sổ. Ở ngoài đó, có ruộng, vườn, đi biển, vào đất liền, chẳng biết làm chi, nghề không, đất không, tiền hết”.
Vợ chồng anh Nguyễn Tấn Thái vừa có con đầu lòng, không nhà, không việc làm
Nhà tái định cư của dân nơi đây là nhà liền kề. “Nứt hết, thấm nước – bà Mai Thị Thối nói – bồn rửa mặt cũng rớt, vì bắt ốc vít dở quá”. Nhà ông Tú, đành phải bỏ một phòng ngủ vì nước thấm đầy phòng. Nứt, vì tất cả 114 căn hộ ở đây, không hề có trụ, chỉ dựa tường vào nhau. “Quá nguy hiểm – ông Tú nói – chỉ cần gió bão cấp 10 là bay sạch, bởi xây kiểu chi lạ. Bà con ở đây giờ chỉ còn 55 người tàn tật, được trợ cấp cao nhất 810.000 đồng/tháng, sống ở thành phố, tôi hỏi anh, chừng đó, đủ không? Chúng tôi kiến nghị thành phố hãy có phương án khác, giúp dân làng Vân, chứ chúng tôi chịu khổ đến bao giờ?”.
Tại cuộc họp ngày 10/12, Sở Xây dựng Đà Nẵng hứa sẽ khắc phục những nhà bị hư nứt. Theo ông Hoàng Cung Thương Hiền, PGĐ Công ty Vật liệu xây dựng kinh doanh nhà Đà Nẵng, đơn vị được giao quản lý điều hành dự án xây dựng nhà liền kề của làng Vân, thì đến 20/12, các giấy tờ nhà đất của bà con được giao về Trung tâm Phát triển quỹ đất của thành phố, đến tháng 1/2015, sẽ có sổ đỏ. Liên quan đến đất rừng chưa được đền bù, Ban giải tỏa đền bù số 3 hứa sẽ giải quyết.
“Chúng tôi mất niềm tin rồi” – ông Hồ Hòa, tổ 14 nói. UBND P.Hòa Hiệp Nam thì cho hay sẽ gửi lên trên những bức xúc của dân. Dư luận nghi ngờ là quá lâu rồi, giờ các vị mới về đây họp rồi hứa, liệu có phải là nói cho xong chuyện? “Sổ đỏ chưa quan trọng bằng việc làm, hứa chúng tôi ra đi là có việc làm, giờ không ai chịu trách nhiệm, chúng tôi sống sao đây?” – ông Nguyễn Lên gay gắt.
Trung Việt (Phụ nữ TP.HCM)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.