Công trình vi phạm sẽ không bị cắt điện, nước?

Xử lý vi phạm trật tự xây dựng là bài toán khó ở các đô thị lớn (ảnh minh họa)

Mất “cây gậy” kiểm soát

Theo quy định hiện hành (Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng), để hỗ trợ đình chỉ xây dựng, thanh tra xây dựng được phép đề nghị cơ quan có thẩm quyền ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước cho công trình vi phạm để người vi phạm không có điều kiện thi công tiếp. Biện pháp này được đánh giá là rất hiệu quả trong việc xử lý các trường hợp cố tình chống lại quyết định đình chỉ, cưỡng chế tháo dỡ của cơ quan chức năng. Rất nhiều trường hợp vi phạm, đặc biệt là tại các công trình vi phạm là nhà cao tầng, việc áp dụng biện pháp này tỏ ra rất hữu hiệu. Chính vì vậy, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi quy định này được bãi bỏ.

Ông Nguyễn Văn Hải, một cán bộ thanh tra đô thị tại TP.Vinh, Nghệ An cho biết, tại địa bàn TP.Vinh, biện pháp này thường ít được áp dụng với công trình nhà ở cá nhân, mà chủ yếu là công trình vi phạm của cơ quan, tổ chức và trên thực tế rất hiệu quả. “Việc dự thảo không đưa vào biện pháp ngừng cung cấp điện, nước theo tôi là không hay, vì trường hợp chấp hành tốt thì không sao, nhưng có những trường hợp cố tình thì sẽ không có biện pháp để bắt buộc họ phải chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền. Tôi không rõ lý do vì sao cơ quan chức năng bỏ quy định này, nhưng quan điểm cá nhân tôi là không nên bỏ”, ông Hải kiến nghị.

Đồng quan điểm với ông Hải, một cán bộ trật tự xây dựng ở phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, không đưa biện pháp này vào quy định coi như là đã lấy đi “cây gậy” của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát vi phạm trật tự xây dựng.

Cần biện pháp thay thế phù hợp, hiệu quả

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Xuân Quang, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: Trước đây biện pháp yêu cầu cơ quan liên quan ngừng cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm được quy định trong Nghị định 180/2007/NĐ-CP là căn cứ vào quy định của Luật Xây dựng 2003. Hiện nay Luật Xây dựng 2014 đã bãi bỏ nội dung này, do đó dự thảo Nghị định cũng phải bãi bỏ. Cũng theo ông Quang, tại các hội thảo lấy ý kiến ở TP.HCM và Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ quy định này, vì biện pháp này rất hữu hiệu, đặc biệt là đối với các công trình nhà cao tầng, tuy nhiên Nghị định là văn bản dưới luật nên phải tuân thủ theo luật. Lý do Luật Xây dựng bãi bỏ quy định này theo ông Quang là do liên quan đến quyền công dân.

Một số người dân khi được hỏi cho rằng, nếu người vi phạm không dỡ bỏ công trình vi phạm, cơ quan chức năng phải có biện pháp cưỡng chế khác, không nên cắt điện, nước, đặc biệt đối với nhà ở cá nhân, vì nó xâm phạm đến quyền công dân trong việc được đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Về vấn đề này, Luật sư Đinh Bá Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Ngừng cung cấp điện, nước chỉ là biện pháp mang tính tình thế. Các hợp đồng cung cấp điện, nước là hợp đồng mang tính chất dân sự thỏa thuận tự nguyện. Về nguyên tắc, các đơn vị này không có quyền đơn phương ngừng cung cấp dịch vụ, trừ khi bên sử dụng dịch vụ vi phạm các quy định trong hợp đồng (như chậm thanh toán tiền…), vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. “Việc cơ quan quản lý nhà nước bỏ biện pháp này là đang sửa sai, là hướng đi đúng và đáng lẽ phải sửa từ lâu”, Luật sư Đinh Bá Tuấn nhận xét.

Vấn đề đặt ra là, tới đây cơ quan quản lý sẽ áp dụng biện pháp gì, cần có cơ chế như thế nào để ngăn chặn và xử lý hữu hiệu trường hợp cố tình không chấp hành quyết định đình chỉ thi công? Về điều này, ông Ngô Xuân Quang cho biết cơ quan soạn thảo đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp với mong muốn có biện pháp tương tự nhưng phải phù hợp với Luật Xây dựng.

Để lại một bình luận

0913.756.339