Câu hỏi “Việt Nam đã chuẩn bị được gì cho tiến trình gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC?” đã có nhiều “đáp án” khác nhau khi đại diện giới doanh nghiệp, chuyên gia và lãnh đạo Bộ Công Thương cùng tranh luận tại buổi đối thoại cùng chủ đề do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 22/1.
AEC dự kiến được thành lập vào năm 2015 với mục tiêu hướng tới tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động.
Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, định kỳ hàng năm, các quốc gia đều tổ chức rà soát công tác chuẩn bị cho việc ra đời của AEC. Theo đó, tại hai lần rà soát gần nhất, tỷ lệ trung bình mà các nước đạt được chỉ khoảng 80%, trong khi Việt Nam cao hơn hẳn, từ 85 đến 90%. Việt Nam cùng với Singapore được đánh giá là 2 nước có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt vĩ mô cho sự ra đời AEC.
“Nếu theo thang điểm 10 đánh giá học sinh, thì Việt Nam đạt điểm 9, trong khi các học sinh khác điểm trung bình là 8,21”, ông Tú nói.
Thừa nhận điểm tích cực nhất trong công tác chuẩn bị ở mặt vĩ mô, như xây dựng hệ thống pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh… Nhưng theo PGS Nguyễn Hồng Sơn (Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) điều này vẫn chưa được cải thiện nhiều. Ông nói thêm, Ngân hàng Thế giới cũng có đánh giá tương tự như vậy.
Doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng được cho là khó khăn nhất khi AEC mở cửa cuối năm nay. Ảnh: Pháp luật. |
Bình luận về tỷ lệ điểm trung bình mà lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra, ông Sơn cho biết “đó là do các nước tự cho điểm” chứ theo khảo sát của Đại học Kinh tế, Việt Nam chỉ đạt trên điểm 5 cho những nỗ lực của Chính phủ, trong khi ở tầm vi mô – sự chủ động của doanh nghiệp thì dưới mức trung bình.
“Điều tra của chúng tôi cho thấy có đến 60% doanh nghiệp không biết gì về AEC. Số biết thì chỉ biết có một, trong khi AEC có 4 trụ cột”, ông Sơn thông tin.
“Tỷ lệ doanh nghiệp thờ ơ với AEC lên đến 80% chứ không chỉ ở mức 60%”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội – Lê Vĩnh Sơn bi quan.
Theo đại diện giới doanh nghiệp, trái ngược với sự chủ động của Nhà nước, thì phần đông doanh nghiệp không được “trang bị vũ khí” vì “chưa biết điều gì đang đợi họ khi cộng đồng kinh tế AEC mở cửa cuối năm nay”.
Ông Vĩnh Sơn cho rằng, khối doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi AEC hình thành. Trong khi đó, các ngành xây dựng, công nghệ thông tin lại đang có chủ sự chủ động nhất định và khả năng hội nhập cao hơn hẳn.
“Trong ngắn hạn, sản xuất hàng tiêu dùng dễ bị thua nhất”, PGS Nguyễn Hồng Sơn đồng tình. Một trong những ví dụ được ông dẫn chứng là, ngay cả thời điểm này, khi AEC chưa mở cửa thì hàng tiêu dùng Thái Lan đã thâm nhập rất mạnh vào thị trường nội địa. Các doanh nghiệp bán lẻ Thái cũng đã bắt đầu đặt nền móng tại Việt Nam.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, lao động có kỹ năng cũng sẽ bị chảy máu trước sức hút của các doanh nghiệp ngoại đặt cứ điểm ở Việt Nam.
Tuy vậy, Thứ trưởng Tú dẫn câu chuyện hàng tiêu dùng Trung Quốc tràn vào Việt Nam khoảng 10 năm trước để trấn an. “Khi ấy mặt hàng nhựa của họ tràn ngập nước ta, nhưng nay thì rất khó”, ông nói.
Vị Thứ trưởng tin rằng, sức ép cạnh tranh là động lực để doanh nghiệp nội đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Như sữa của Vinamilk, giờ không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội mà còn thâm nhập ngay những nước mạnh về xuất khẩu sữa”, ông Tú lạc quan.
Theo PGS Sơn, đối với số ít doanh nghiệp có nội lực, thì đối thủ cạnh tranh không phải là doanh nghiệp thuộc khối ASEAN mà lại đến từ các công ty thuộc quốc gia đối tác, là ASEAN+ như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… “Tôi có hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cao su Đà Nẵng, họ nói khi AEC mở cửa, đối thủ họ ngại nhất là các công ty săm lốp Ấn Độ, những doanh nghiệp có bề dày hoạt động trong nền kinh tế thị trường, với công nghệ cao hơn, được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chơi này”, ông Sơn kể.
Chí Hiếu