Trong phân tích mới đây của BMI đã nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng việc Chính phủ Việt Nam cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ có tác động tích cực lâu dài đến nền kinh tế. Chính sách sẽ không chỉ khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài hào hứng hơn với thị trường bất động sản Việt Nam mà còn có tác dụng kích thích các lĩnh vực khác như ngân hàng và xây dựng”. Ngoài ra, những nhà phân tích từ BMI cũng cho rằng đây cũng là động thái cho thấy thị trường Việt Nam đang mở cửa hơn với dòng vốn ngoại. Dự báo, GDP Việt Nam năm 2015 sẽ đạt 6,4% và GDP bình quân giai đoạn 2015-2024 sẽ đạt 6,2%.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua các giai đoạn, đơn vị (%), nguồn BMI,GSO
Luật Nhà ở sửa đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, theo đó, cá nhân, tổ chức là người nước ngoài và Việt Kiều sẽ được phép mua tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại; nếu là nhà riêng lẻ (nhà ở biệt thự, nhà liền kề) thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường được mua không quá 250 căn. Đây là nội dung mới so với Luật Nhà ở hiện hành quy định chỉ những người nước ngoài đã kết hôn với công dân Việt Nam hoặc có những đóng góp nhất định với đất nước thì mới có quyền mua nhà tại Việt Nam.
FDI sẽ chảy mạnh vào bất động sản
BMI dự báo với việc nới lỏng quy định cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, dòng vốn FDI sẽ chảy mạnh hơn vào thị trường bất động sản và khiến thị trường phục hồi nhanh hơn.
Trên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm gần đây chưa thực sự khởi sắc. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng lượng bất động sản tồn kho đang ở con số 4,7 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2014, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng kí là 1,3 tỷ USD, chiếm 7,3% trong tổng lượng đầu tư. Tuy nhiên, con số này sẽ còn tiếp tục tăng khi Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam có hiệu lực.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng kí theo khu vực, nguồn BMI,GSO
Bàn đạp để ngành xây dựng tăng trưởng
Nói về triển vọng của ngành xây dựng trong tương quan với bất động sản, BMI nhận định: ngành xây dựng và bất động sản vốn có mối liên hệ chặt chẽ nên những chính sách kích thích thị trường bất động sản sẽ có tác động đến ngành xây dựng. Dựa trên triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, lòng tin của người dân vào thị trường được cải thiện cũng như việc nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư vào thị trường bất động sản. Theo BMI, ngành xây dựng sẽ đạt tăng trưởng khoảng 6,2% trong năm 2014 và khoảng 6,4% trong năm 2015.
Tăng trưởng của ngành xây dựng qua các thời kì, đơn vị tính: nghìn tỷ đồng, nguồn: BMI,GSO
Tác động tích cực đến hệ thống ngân hàng
Nới lỏng quy định cho người nước ngoài mua nhà cũng mang cơ hội đến cho ngành ngân hàng. BMI nhận định, ngân hàng Việt Nam hiện tại đang gặp phải khó khăn về nợ xấu và những nỗ lực giải quyết từ phía Chính phủ khi mới đạt được kết quả hạn chế. Hiện Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đang chịu trách nhiệm mua lại nợ xấu từ ngân hàng nhưng lại gặp khó khăn khi con số nợ xấu công ty này bán ra vẫn khá ít ỏi. Để gỡ khó, VAMC đã đề nghị Chính phủ mua lại 5% trong tổng số 97.000 tỷ đồng nợ xấu mà VAMC mua vào trước đó.
BMI cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các công ty nước ngoài e ngại khi mua lại những tài sản trên là vì phần lớn trong số chúng có gắn liền với tài sản bất động sản. Tuy nhiên, Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được thông qua có thể sẽ là cú hích giúp nhà đầu tư nước ngoài hào hứng hơn với việc mua lại nợ xấu, giúp Ngân hàng Nhà nước giải quyết được bài toán vốn nan giải bấy lâu nay.
BMI được thành lập năm 1984, là công ty chuyên cung cấp các thông tin, dịch vụ tài chính như các báo cáo phân tích về quốc gia, ngành kinh tế cho các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tài chính, chính phủ và các trung tâm nghiên cứu tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới. Những báo cáo của BMI được giới kinh doanh và các nhà làm chính sách rất quan tâm.
CafeLand.vn
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.