Theo đó, từ tháng 3 năm nay, cơ quan này sẽ mua lại số trái phiếu trị giá 60 tỷ euro mỗi tháng cho đến hết tháng 9 năm sau. ECB cũng quyết định giữ nguyên lãi suất trong eurozone tại mức thấp kỷ lục là 0,05%. Mức này đã tồn tại từ tháng 9 năm ngoái.
“ECB đã quyết định mở rộng chương trình mua lại tài sản, bên cạnh việc mua lại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (ABS) và trái phiếu có bảo đảm (covered bond) hiện tại”, ông cho biết trong buổi họp báo. ECB sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi “nhận thấy lạm phát có tiến triển bền vững, gần với mục tiêu là sát 2%”.
Ông Mario Draghi vừa công bố gói kích thích lớn chưa từng có với châu Âu. Ảnh: AFP |
Ông Draghi cho biết phải thực hiện chiến dịch chưa từng có này do các biện pháp trước đây, gồm hạ lãi suất xuống kỷ lục và mua lại tài sản khác, không thể đẩy lạm phát đi lên. Nhiệm vụ hiện tại của họ là chống nguy cơ giảm phát và hồi sinh nền kinh tế khu vực đồng euro.
6 năm trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng có động thái tương tự, nhằm kéo Mỹ ra khỏi khủng hoảng tài chính 2008-2009. Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của FED đã chấm dứt năm ngoái. Hiện tại, Anh và Nhật Bản đang thực hiện kích thích với quy mô tương đương, Bloomberg cho biết.
Sau thông tin từ ECB, nhà đầu tư đã phản ứng bằng cách bán euro và mua trái phiếu châu Âu. Đồng euro đã giảm 0,7% so với USD, xuống một euro đổi 1,15 USD lúc 20h50 (giờ Hà Nội). Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Euro Stoxx 50 lại tăng 0,7%.
Động thái của ECB cũng càng nới rộng khoảng cách về chính sách tiền tệ giữa các nước trên thế giới. Trong khi FED đang cân nhắc thắt chặt, các ngân hàng trung ương tại Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Canada và Peru đều đã bất ngờ thông báo cắt giảm lãi suất tuần qua. Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ thậm chí gây sốc với tuyên bố bỏ trần tỷ giá đồng franc so với euro cuối tuần trước.
Hà Thu