Thông tin nêu trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2014 tổ chức sáng nay (2/12).
“Hôm qua Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế 11 tháng. Tôi vui mừng thông báo các mục tiêu năm 2014 được Quốc hội thông qua cơ bản đã hoàn thành vượt mức”, ông nhấn mạnh. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng năm 2014 được vị tư lệnh ngành khẳng định “gần như chắc chắn” vượt mục tiêu 5,8%.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt 5,8% trong năm 2014. |
Trước đó, báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 5,62%, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,42% và quý III tăng 6,19%. Theo các chuyên gia, chỉ cần GDP quý IV tiếp tục tăng cao hơn quý trước, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và đây sẽ là năm đầu tiêu sau 3 năm liên tiếp, chỉ tiêu GDP được hoàn thành vượt mức.
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, lạm phát đã ổn định trở lại, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng mới tăng hơn 2%. Sự phục hồi của doanh nghiệp đã cải thiện khi số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải rời thị trường tăng chậm dần, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại, sức tiêu dùng bắt đầu tăng lên. “Tôi tin rằng năm 2014 sẽ hết sức tốt đẹp với Việt Nam, là tiền đề cho Việt Nam phát triển mạnh hơn”, ông nhấn mạnh.
Bà Wendy Werner – Giám đốc bộ phận thương mại và cạnh tranh khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng đánh giá Việt Nam đã thành công trong ổn định môi trường vĩ mô, thể hiện qua xếp hạng tín nhiệm tăng lên và mới đây Chính phủ đã phát hành thành công một tỷ USD trái phiếu quốc tế…
Liên quan đến VBF 2014 với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các Hiệp định thương mại mới”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định đối thoại tại diễn đàn sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập quốc tế, ký kết các Hiệp định thương mại tự do mới, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, nội dung cải cách được ưu tiên đặc biệt.
“Doanh nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ được sự kiên cường đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều công ty trong nước còn nhỏ, ít có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Năng suất của Việt Nam vẫn còn thấp”, bà Werner nhận xét. Nghị quyết 19 là bước đi quan trọng thời gian qua, song vị này cho rằng Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh, khiến doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư tiềm năng, đại diện IFC cũng phản ánh Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, đưa ra lộ trình rõ ràng để nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia và nâng cao tính minh bạch.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh đã trở thành làn gió mới thúc đẩy cải cách, tháo gỡ nút thắt, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ông hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ các nút thắt trong cải cách khu vực công, tiếp cận các tài liệu quy hoạch, thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương…
Phương Linh