Theo kết quả vừa được liên danh các nhà nhà tư vấn tính toán, giá trị thực tế của công ty mẹ Vinalines tại thời điểm 31/12/2013 xấp xỉ 21.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 8.300 tỷ đồng.
Như vậy, so với giá trị trên sổ sách tại cùng thời điểm nói trên là vào khoảng 18.200 tỷ thì con số chênh lệch sau khi xác định lại tăng lên hơn 2.900 tỷ đồng.
Sau khi được Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty mẹ thông qua, kết quả này dự kiến sẽ được trình lên Bộ Giao thông vận tải trong tháng tới để Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Theo lộ trình điều chỉnh đã được Bộ Giao thông chấp nhận, công ty mẹ Vinalines sẽ tiến hành IPO cùng thời điểm với Cảng Sài Gòn trong quý I/2015.
Hồi đầu tháng này, giá trị doanh nghiệp của Cảng Sài Gòn cũng đã được trình lên hội đồng thành viên Vinalines phê duyệt với mức xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.
Trả lời VnExpress hồi đầu năm, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty mẹ Vinalines cho biết Nhà nước có thể bán 65-70% cổ phần tại doanh nghiệp này. Theo ông Trường bởi vận tải biển là ngành mà Nhà nước chủ trương không cần nắm cổ phần chi phối. Vị Thứ trưởng tự tin rằng mục tiêu thoái vốn với tỷ lệ này hoàn toàn khả thi do Việt Nam thuộc một trong những tuyến đường biển quốc tế lớn và thị trường vận tải biển đang dần có những tín hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, theo Qyết định 37 của Thủ tướng ban hành hồi tháng 6 về tiêu chí, phân loại danh mục doanh nghiệp Nhà nước, đối với ngành vận tải biển, nhà nước vẫn nắm giữ từ trên 50 đến dưới 65% cổ phần. Trong khi với doanh nghiệp khai thác cảng biển quang trọng thì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ còn cao hơn, từ 75% trở lên.
Dẫu vậy, mới đây Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữa xuống còn 51% tại các doanh nghiệp cảng biển chủ chốt như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Chí Hiếu