Chẳng cần thống kê công khai từ cơ quan quản lý, chỉ nhìn số lượng chung cư thương mại giá rẻ đang “đua nở” từ gần 1 năm qua, cho thấy sức mua từ nguồn cầu thực (đòi hỏi nhà ở cấp bách) vẫn chưa tiệm cận với mặt bằng giá sản phẩm căn hộ.
Nhãn tiền, là sự thành công ngoạn mục của đại gia Lê Thanh Thản, với cú sốc nhà Đại Thanh trong năm 2013 – châm ngòi cho xu thế tạo lập nhà giá rẻ, diện tích vừa phải (dưới 70m2, quanh mức 15 triệu đồng/m2).
Cái khó… bó cái khôn
Tham gia những buổi mở bán, chào sàn căn hộ, cất nóc hay ngày hội nhà giá rẻ, nhà đổi nhà như mới đây, mới thấu được cái khó của những cá nhân, hộ gia đình sinh nhai chật vật ở Thủ đô (chứ chưa nói tới chuyện tích cóp mua nhà).
Cập rập gom góp, vay mượn ngược xuôi, gõ cửa ngân hàng mới… kịp mua suất ưu đãi, căn đẹp, tầng cao với giá cũng 16 – 17 triệu đồng/m2. Khấp khởi hy vọng, rồi lại thất vọng chán chường vì chủ đầu tư hết bán tháo lại cắt lỗ, rồi vận dụng cả “chiêu” nhà đổi nhà.
Tình cảnh “rượt bắt” giữa người mua – chủ đầu tư – căn hộ vẫn tiếp diễn với đủ cảnh huống. “Tội” của DN đã rõ, nhưng “lỗi” của người mua cũng được xác định.
Ít tiền, chẳng thể chen chân vào những chung cư đã xây hoàn thiện, sẵn sàng bàn giao thì đương nhiên phải đặt niềm tin vào các dự án “đầu voi đuôi chuột”, móng xây chưa kịp khô vữa đã hối hả làm thị trường từ vài tháng trước.
Lo lắng chờ đợi, vừa đóng tiền (theo tiến độ) vừa nghe ngóng mọi động tĩnh thị trường lẫn chính sách hữu quan, khách hàng đành bấm bụng ngóng ngày về căn hộ. Chậm tiến độ và quay quắt trách nhiệm với khách hàng – cư dân đã trở thành “mốt” trong giới tạo lập, kinh doanh BĐS.
Vụ cháy ở tòa Chung cư JSC34, năm 2010
Ai chẳng cần nhà ở, nhất là ở Thủ đô đất chật người đông. “Nhưng điều kiện không cho phép, trong khi vẫn muốn ở khu vực tiện giao thông đi lại, hạ tầng tốt (không quá xa trung tâm), thì những địa bàn như dọc trục Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn kéo dài, Cầu Tó, Phùng Hưng (Hà Đông)… là điểm đến bắt buộc”, một khách hàng tại ngày hội Nhà đổi nhà do Hải Phát tổ chức mới đây, thở dài.
Chung cư, sợ cũng phải ở
Những điểm trừ cho chất lượng sống ở quần thể cao tầng (chung cư) tại đô thị đông dân như Hà Nội tới lúc này đã quá rõ. Mất an toàn cho bản thân, rủi ro tài sản và những bất cập về chứng nhận sở hữu (sổ hồng căn hộ) là rõ hơn cả.
Trước hết, sự an nguy của người sống trong chung cư phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng công trình, thể hiện qua hạ phần như: lối thoát hiểm tòa nhà, hệ thống PCCC được chủ đầu tư lắp đặt (chứ khó lòng trông chờ hiệu quả từ lực lượng chức năng do hạn chế nhiều yếu tố), vận hành thang máy và cuối cùng mới tới ý thức, hiểu biết của người sử dụng.
Theo đó, những cư dân sinh sống trong hàng trăm chung cư tại Hà Nội hoàn toàn có lý do để “ăn không yên, ngủ không ngon”. Ở Trung Hòa – Nhân Chính, một quần thể đáng sống nhất nhì Thủ đô (giai đoạn 2007 – 2011) đã đôi lần chứng kiến cảnh tượng bà Hỏa viếng thăm mà chỉ may mắn mới không xảy ra thiệt hại về người.
Cũng khu vực này, sự cố “bốc hỏa” ở tòa JSC34 cao 18 tầng, năm 2010, đã kịp cướp đi 2 sinh mạng. Công tác điều tra cho thấy, ống rác composite cốt sợi thủy tinh (nguyên nhân gây cháy) được 13 chủ đầu tư sử dụng với số lượng công trình chưa thể xác định.
Cháy chung cư, cháy chợ dân sinh tại quần thể đông người không còn xa lạ với người Thủ đô. Cũng như ngập lụt vào mùa mưa, nạn tắc đường, tắc thang máy đã “làm bạn” với hàng vạn cư dân Hà thành sống trong lòng chung cư cao tầng.
Lý do: mật độ xây dựng chung tại những dự án chung cư trung cấp đang ra hàng đều khá cao (trên 40%). Yêu cầu sử dụng của cư dân luôn vượt xa hệ thống thang máy được lắp đặt (cụm công trình thương mại – căn hộ ở The Pride là điển hình).
Tiếp đến, khi quỹ đất nội đô dần eo hẹp, chủ đầu tư luôn tận dụng tối đa diện tích đất được phê duyệt dự án, nhất là vị trí thuộc hàng trung tâm. Thế nên, cứ nhìn những chung cư “trong ngõ”, như Diamond Blue (Triều Khúc), hay “mặt phố” kiểu Sapphire Place (Chính Kinh), Hạ Đình Tower và cả Hei Tower (Ngụy Như Kon Tum) thì viễn cảnh tắc đường đã hiển hiện.
Rồi tới mối e ngại về chăm sóc y tế khẩn cấp tại từng quần thể cao tầng (như Thời báo Kinh Doanh đã phản ánh mới đây). Với những người trẻ tuổi, điều này được “cho qua”. Nhưng, giới khách hàng này cũng đang… run, bởi thông tin nhiều chủ nhân căn hộ tại chung cư thu nhập thấp Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) bị kẻ trộm viếng thăm, lục soát căn hộ được phát đi mới đây.
Vấn nạn đạo chích, mất an ninh tại chung cư đã có tiền lệ từ năm 2011 tới nay. Quả thực, sống ở chung cư đòi hỏi sự dũng cảm và cẩn trọng như trong phim hành động.
Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.